Thưa ông, với nhiều nhạc sĩ thì viết về tình yêu là thế mạnh, dễ dàng, còn với những đề tài chính trị lại gặp rất nhiều khó khăn. Vậy mà với ông, có cảm giác cảm hứng âm nhạc về các đề tài khó đến khá dễ dàng, đề tài nào ông cũng viết rất hay, dễ dàng đi vào lòng người. Để viết được những ca khúc ấy, có cần một kỹ năng hay cảm xúc nào đặc biệt không?
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: Ngọc Anh
-Trước hết phải nói rằng khi viết tôi không tự đặt cho mình một chuyên đề. Nếu gọi là chuyên đề thì chuyên đề lớn nhất của tôi là những khát vọng của nhân dân. Do đó, có những bài không có chữ Đảng nhưng vẫn thể hiện khát vọng của nhân dân. Nên khi viết những bài hát này tôi không nghĩ rằng mình viết theo đề tài chính luận hay gì mà là viết theo tình cảm. Âm nhạc là tiếng nói của tình cảm. Nhà báo Trần Lâm- cố Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi tôi công tác trước đây, khi nghe nhạc của tôi thường nói: “Này, âm nhạc không nói dối được đâu, tình cảm thế nào sẽ thể hiện như vậy qua âm nhạc”.
Do đó, bất ngờ là đầu năm 2000, trong cuộc bình bầu 10 ca khúc hay nhất viết về Đảng của thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam thì 3 ca khúc của tôi lọt vào danh sách. Có lẽ những bài hát đó đã nhận được sự đồng cảm, đáp ứng được tình cảm của nhân dân.
Ca từ các ca khúc “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng” và “Đảng cho ta cả một mùa xuân” được người yêu nhạc đánh giá rất cao vì nhiều hình ảnh đẹp, đầy chất thơ. Ông có thể nói thêm gì về 2 ca khúc này?
- Năm 1959, sau khi miền Bắc giải phóng được vài năm, tôi viết bài “Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng”. Khi đó tôi là sinh viên học Trường Đại học Pháp lý ở chiến khu Việt Bắc thì các bạn của tôi chuyển cho tôi bài thơ bằng tiếng Pháp của Aragon, bài đó rất lạ, trong đó có câu “Đảng cho ta màu sắc nước non nhà”. Lúc đó tôi đọc bài thơ bằng tiếng Pháp. Về sau, đọc lại bài thơ đó trên báo Nhân Dân do nhà thơ Tố Hữu dịch, tôi thấy lời dịch lột tả được tình cảm của chiến sĩ cách mạng Pháp- Aragon, nhà thơ nổi tiếng đồng thời là đảng viên đầu tiên của Pháp. Bởi thế khi tôi phổ nhạc bài thơ này là hoàn toàn theo cảm xúc âm nhạc.
Sang năm 1960, năm ấy ngày 3.2 kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng lại đúng vào dịp tết. Sau 5 - 6 năm miền Bắc được giải phóng thì cảm giác của mỗi người Việt Nam lúc ấy thấy rõ ràng Đảng đã đem đến một mùa xuân. Với tôi, người tham gia kháng chiến từ đầu thì đó là tình cảm của riêng tôi và mọi người nên ca từ rất dễ bật ra: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng”. Bài hát đó đặt đúng thời điểm, hoàn cảnh là “Xua đi màn đêm chiến tranh gieo bao khổ đau, cuộc đời từ nay sẽ sáng tươi như mùa xuân”. Đây là tình cảm của tôi nhưng cũng là cộng hưởng tình cảm của mọi người.
Vậy còn bài “Màu cờ tôi yêu”, dù trong bài hát không có một từ nào nhắc tới Đảng mà khi lời hát cất lên, ai cũng thấy trong đó chan chứa tình yêu và lòng tin dành cho Đảng. Được biết đằng sau bài hát này là một câu chuyện rất nghiêm túc, ông có thể bật mí?
Quan điểm
Tôi viết không phải để đứng lên hô hào, phải thế nọ, thế kia mà là tình cảm của mình đối với đất nước. Khi nói tới các bước tiến của đất nước, của nhân dân thì không thể nào không nói đến vai trò của Đảng”.
- Bài “Màu cờ tôi yêu” tôi sáng tác năm 1980. Lúc đó cuối những năm 1970 đầu 1980, trước thời kỳ đổi mới cũng phát hiện nhiều sai sót của Đảng, những hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ đảng viên cũng có. Lần đó vào TP.HCM, gặp nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, hai anh em bàn nhau là sắp đến ngày thành lập Đảng nên có bài gì. Lúc ấy viết về Đảng rất khó vì nhìn xung quanh có nhiều hiện tượng tiêu cực quá.
Tôi bàn với anh Tuyền, anh ấy cũng bảo là rất khó khăn, nhưng càng khó khăn thì càng phải động viên mọi người. Lúc tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất, Diệp Minh Tuyền tiễn tôi và nói: “Em có viết mấy câu lục bát” và gửi cho tôi xem. Ở trên máy bay tôi mở ra đọc và thấy đó đúng là tình cảm của những người quan tâm tới việc xây dựng Đảng. Đây là bài thơ lục bát của người vừa làm thơ vừa làm nhạc nên rất dễ hát lên được, về tới Hà Nội tôi phổ nhạc luôn bài đó.
Ca khúc “Màu cờ tôi yêu” được trình bày lần đầu tiên trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam qua hai giọng ca nữ NSND Lê Dung và NSND Thanh Hoa, bao nhiêu năm đã qua, đó vẫn là những người hát thành công nhất ca khúc này. Ông có kỷ niệm gì đặc biệt với hai nghệ sĩ?
- Lúc đó tôi đưa cho đài phát thanh thì được biết hai nghệ sĩ Lê Dung, Thanh Hoa sẽ hát, tôi bảo tốt quá. Khi các cô ấy hát, tôi hỏi có biết bài này tôi muốn nhấn mạnh đoạn nào không? Các cô ấy bảo đoạn nào chúng em cũng thích. Thực lòng bài hát ấy tôi muốn nhấn mạnh “Cờ bay, màu của niềm tin. Đỏ như lời hứa của mình em ơi. Suốt đời lòng dặn giữ lời. Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau”. Phải nắm tay nhau, phải đoàn kết lại, phải giữ vững quan điểm lập trường, lúc này mà mất đoàn kết là không được.
Khi được giảng giải, hai nghệ sĩ rất thích, người nghe sẽ thấy đến đoạn đó, họ hát chậm lại: “Suốt đời lòng dặn giữ lời, đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau”. Khi bài hát này được phát trên đài, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền gọi cho tôi và nói “Anh phổ nhạc rất đúng ý em”. Theo tôi, thành công đó là dấu hiệu của sự đồng cảm. Khi tình cảm của người sáng tác bộc lộ chân thành, phù hợp với đông đảo mọi người thì nó sẽ có được sự cộng hưởng. Đó là phần thưởng cho người sáng tác.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.