Nhớ rừng xưaĐã ở vào tuổi 80 nhưng ông Phong vẫn còn khoẻ mạnh, minh vẫn và đặc biệt là giọng nói hết sức truyền cảm. Vẫn theo ông Phong thì bàn chân ông đã đi nhiều cánh rừng trong và ngoài tỉnh Sơn La như Thanh Hoá, Hoà Bình, Điện Biên… nhưng với cảm nhận của ông thì rừng Sơn La là giàu nhất: “Sơn La có những cánh rừng lim, pơmu, bách xanh, đinh thối, đinh hương, nghiến, táu, chò chỉ… rộng đến nỗi con hổ đi cũng mỏi chân, con chim bay cũng mỏi cánh, có những thân cây to tới cả chục người ôm, đã sống tới cả ngàn năm tuổi.
Dưới những tán rừng là hổ, báo, gấu, nai, lợn rừng, trăn, rắn, chim nuông… rồi rau rừng, cá suối, nhiều loại thuốc bệnh, thuốc bổ được dân gian khai thác, sử dụng thành những bài thuốc gia truyền rất hiệu nghiệm. Con người ở rừng Sơn La nếu biết khai thác, giữ gìn thì ai cũng thành tỷ phú hết”. Đôi mắt già nua của lão làng mơ màng như đang sống lại ngày xưa, giọng kể chợt chùng xuống…
Rừng biến thành núi trọc, người dân Sơn La giờ vất vả canh tác trên những nương rẫy khô cạn.
Tôi hỏi ông Phong: Vậy sao bao năm sống ở rừng mà vẫn không giàu? Ông Trầm tư, bảo: Tôi không sống dựa vào rừng mà sống dựa vào sự đùm bọc của cộng đồng, bằng nghề trồng lúa nước. Nếu có phải hạ cái cây rừng thì cũng là để làm nhà, làm cầu qua suối. Nếu có phải bắn hạ con thú thì cũng bởi nó về phá nương hoặc tấn công mình.
Mấy chục năm trước, đất này đâu có đường ô tô thuận lợi như bây giờ, nên những sản vật của rừng xanh chỉ phục vụ cho cuộc sống con người sở tại, không buôn bán, trao đổi, thậm chí lừa gạt, cướp lẫn nhau như bây giờ. Rừng là cái lộc của đất-trời, không cho riêng ai cả. Ai tham lam quá sẽ bị phạt thôi…
Mỗi mét vuông là cả cây vàngTrong số những người dân biết rõ hơn cả về sự vô giá của những cánh rừng già Mộc Châu chính là 75 hộ dân người Mông của bản Cột Mốc, xã Tân Xuân. Sự hiện diện của họ sau những cuộc di dân đến vùng lõi của rừng đặc dụng đã từng làm nóng các cuộc họp của lãnh đạo tỉnh Sơn La trong suốt nhiều năm liền của 2 thập kỷ vừa qua nhưng rồi của đành chấp nhận cho họ tái định cư bởi có quyết liệt đến mấy thì cũng như "bắt cóc bỏ đĩa".
Ông Thào A Chồng (53 tuổi), dân bản nhớ lại: Những năm 1991-1992 vừa qua, chúng tôi đang ở Phù Yên nhưng đói khổ quá nên cứ xuyên rừng đi tìm đất mới tốt hơn để sống. Đến rừng Xuân Nha, thấy cây cổ thụ bạt ngàn, chim, thú, cua, cá nhiều vô kể, đất đai màu mỡ, cứ tra hạt lúa, hạt ngô là nảy mầm, cho bông, cho bắp tốt tươi. Vậy là hạ ngựa định cư. Cán bộ đến khuyên bảo thế nào cũng không chịu chuyển vì ngày ấy có hiểu được giá trị của rừng như bây giờ đâu. Chỉ nghĩ rừng thì vô tận, chỗ nào tốt thì mình ở thôi.
"Cái mái nhà tôi đang ở cũng như mấy hộ khác trong bản có giá trị cả tỷ đồng đấy. Nó được làm bằng gỗ tốt trăm năm không hỏng”. Ông Thào A Chồng
|
Cũng theo ông Chồng thì mỗi mét vuông rừng đặc dụng Xuân Nha ngày ấy có giá trị tới cả cây vàng. Dưới mặt đất thú rừng nhiều vô kể. Còn gỗ, nào lim, nghiến, chò chỉ, dổi, phay sừng… Bao nhiêu loại gỗ quý, cây to tới mấy người ôm dày đặc mặt đất. Đặc biệt là Mộc Châu ngày trước rất nhiều gỗ long lanh, cây to tới mấy người ôm, dân chỉ chẻ ra lợp mái nhà. Những mảnh gỗ long lanh nhỏ bé, không thẳng, không to làm củi đốt cháy rất tốt.
Bắt đầu từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người ta khai thác gỗ ở rừng Xuân Nha để làm thuỷ điện Hoà Bình, khi ấy đường sá thuận lợi, "mỏ vàng” lâm nghiệp Mộc Châu lộ ra, thế là rừng nghèo dần, lộc trời thành khan hiếm. Không còn có chuyện lúc ốm đau xin nhau là được cái mật gấu như trước nữa.
Đem chuyện gỗ long lanh trao đổi với Hạt trưởng kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha-anh Trần Ngọc Tân, anh bảo: Gỗ long lanh quý lắm nhưng ngày trước dân mình không hiểu giá trị, lại thấy sẵn có nhiều nên sử dụng rất bừa bãi. Nó chính là thứ làm cả dân gian săn tìm sốt sình sịch bao năm qua với tên gọi khác là gỗ ngọc am.
Nhưng bây giờ ở đất Mộc Châu tìm được một cây gỗ ngọc am lớn là rất khó. Ngay cả cánh rừng đặc dụng này, kiếm một cây lim, nghiến hoặc dổi to cũng đã khó rồi. Rừng đang ngày một nghèo gỗ và đương nhiên, muông thú cũng nghèo đi đến cạn kiệt. Nhiều lúc đi tuần rừng thèm nghe cả một tiếng chim kêu...
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.