Đối thoại cùng lao động
Ông Võ Mộng Đức - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi khi tuyển sinh, Trung tâm luôn xuống tận cơ sở để đối thoại, tư vấn cho các lao động nông thôn có nhu cầu muốn học nghề. Chính công tác tuyển sinh kỹ lưỡng như vậy mà các học viên đều yêu thích nghề mà mình lựa chọn, tránh được tình trạng bỏ học hay ra trường không làm được việc.
|
Học viên tham gia thực hành nghề mộc tại các cơ sở sản xuất. |
Về giáo viên cũng phải “thầy ra thầy” để “trò ra trò”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bình – giáo viên môn Pháp luật, cho hay: “Khi tham gia giảng dạy tại trường, chúng tôi được Trung tâm phân công phụ trách theo chuyên môn, không có tình trạng giáo viên môn này dạy thế, dạy thêm môn khác trái chuyên môn.
Hơn nữa, chúng tôi luôn theo sát các em khi dạy và hỗ trợ các em trong cả chuyện đời thường”. Học viên Nguyễn Nhật Trường (quê huyện Hiệp Đức) - học viên lớp Cao đẳng Vận hành thiết bị dầu khí, hồ hởi: “Dù các thầy cô thỉnh giảng, nhưng không dạy qua loa cho hết giờ mà luôn cung cấp cho chúng em những kiến thức rất thiết thực”.
Theo ông Võ Mộng Đức, điều quan trọng nhất là học xong nghề các học viên có việc làm ngay, “Vì thế, chúng tôi đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp”- ông Đức nói.
Năm 2009, Trung tâm có hơn 80 học viên tốt nghiệp và hiện nay đều đã có việc làm ổn định tại các khu công nghiệp, khu kinh tế mở ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Khi liên kết dạy nghề với các tập đoàn, Trung tâm cũng tranh thủ ký cam kết bố trí việc làm cho các học viên của mình. Tới tháng 10-2010, Trung tâm cũng làm việc với Sàn giao dịch việc làm tỉnh Quảng Nam tìm việc cho 60 lao động nông thôn và học viên.
Ngoài ra, Trung tâm đã chủ động liên hệ với Công ty CP Xây dựng 41 để ký hợp đồng cung cấp lao động cho Công ty này đến năm 2012. Hiện nay, Công ty đã tiếp nhận 47 lao động do Trung tâm gửi hồ sơ vào làm việc tại Quảng Ngãi.
Ông Đức cho biết thêm: “Công ty TNHH nguồn lao động Phan Đăng cũng đã liên hệ và ký kết nhận lao động do Trung tâm chuyển giao để làm việc tại các tỉnh phía Nam. Vì vậy, đầu ra cho lao động rất rộng mở”.
Đào tạo từ sơ cấp tới cao đẳng
Trung tâm đang đào tạo nghề cho 1.180 học viên với 35 lớp học của các ngành nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình liên kết. Trong chương trình đào tạo sơ cấp cho lao động nông thôn, Trung tâm đã tổ chức 31 lớp (ngành mây tre có 13 lớp, thú y 11 lớp, nuôi trồng thủy sản 3 lớp...). Học viên đến từ các huyện miền núi như Núi Thành, Quế Sơn, Nông Sơn, Tây Giang, Thăng Bình…
Chủ động được “đầu ra” nên Trung tâm hiện đang mở rộng đào tạo các trình độ nghề để lao động nông thôn có thể học cao hơn. Trung tâm đã liên kết với các trường có uy tín như Trường Công nghiệp tàu thủy, Trường Cao đẳng nghề Dung Quất… đào tạo 258 học viên.
Vì vậy, ngay tại Trung tâm đang có 1 lớp cao đẳng và 4 lớp trung, sơ cấp đào tạo các ngành hàn, điện, sửa chữa ô tô. Nét riêng trong liên kết là Trung tâm sẽ đào tạo phần lý thuyết, sau đó chuyển các học viên đến các trường để thực hành.
Không giống một số trường hay trung tâm dạy nghề khác, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm - Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam không dạy tràn lan nhiều ngành nghề.
Là tỉnh nông nghiệp, Trung tâm chỉ chú trọng vào vài ngành nghề chính là mây tre, thú y, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, trồng nấm, rau sạch. Đây là những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của đại đa số lao động nông dân.
Điều đáng nói là khi đào tạo các ngành nghề này, Trung tâm không quá chú ý vào việc dạy lại lý thuyết cơ bản mà tập trung vào dạy các kỹ năng, kỹ thuật trồng trọt mới, hiện đại hơn.
Hoàng Đạo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.