Nhìn thoạt qua, Nha Bích thuộc loại xã khá giả của huyện Chơn Thành, bởi xã có tới 3.125ha cao su đang cho thu hoạch. Nhưng, hiện Nha Bích vẫn còn 135 hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); 2/6 ấp vùng sâu vẫn hưởng Chương trình 135 của Chính phủ.
|
Chị Lâm Thị Hồng và con bò sắp sinh. |
Trồng cao su, nuôi bò
“Trình độ dân trí thấp, thiếu đất sản xuất là nguyên nhân kéo dài cái nghèo của 135 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã chúng tôi” - ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Chủ tịch Hội ND xã Nha Bích nói. Với phương châm không để người nghèo, nhất là bà con DTTS thiếu vốn sản xuất, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chơn Thành đã phối hợp với Hội ND, Hội Phụ nữ xã... nắm chắc số hộ nghèo có nhu cầu vay vốn, khả năng lao động, rồi tranh thủ ngày thứ Bảy, Chủ nhật đem vốn xuống giải ngân.
Không thước đất canh tác, chồng lại qua đời sớm, hàng ngày chị Lâm Thị Hồng đi bán xôi được chừng 50.000 đồng để nuôi 3 con nhỏ. Năm 2009, chị được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 và được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng làm vốn mua bò. Đứng bên con bò mẹ chuẩn bị sinh vào cuối tháng 8 này, chị Hồng xúc động: “Có nhà vững chắc, lại có cả bò nuôi, mẹ con tôi đỡ lo rồi”. Tiền bán xôi hàng ngày, chị trích một phần trả lãi vay và gửi tiết kiệm, coi đó như tiền bỏ ống trả nợ ngân hàng khi đến hạn.
Gia đình anh Lâm Sỹ dân tộc Khmer tuy có 5.000m2 đất trồng 300 cây cao su nhưng vẫn nghèo, vì phải nuôi tới 8 miệng ăn. Năm 2010, anh được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 10 triệu đồng chương trình xóa nghèo và 8 triệu đồng chương trình nước sạch-vệ sinh - môi trường. Có tiền, anh đầu tư cho cao su, đào ao nuôi cá và xây nhà tắm, nhà vệ sinh hợp chuẩn. “Vợ chồng tôi phải cố gắng làm ăn để không phụ đồng tiền ngân hàng ưu đãi mình”- vợ anh Lâm Sỹ tâm sự.
Mở dịch vụ
Gia đình chị Kim Thanh Mỹ dân tộc Khmer, ngụ ở ấp 5 có 2ha cao su đang cạo mủ, mỗi ngày thu 1,5 triệu đồng. Năm 2010, vợ chồng chị được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 20 triệu đồng vốn SXKD vùng khó khăn để mở dịch vụ mua bán mủ cao su. Chị Mỹ cho biết, trung bình mỗi ngày chị thu mua 1.500kg mủ cao su của bà con địa phương, giá 24.300 đồng/kg (thời điểm trung tuần tháng 8.2011) để bán cho Công ty Chế biến cao su Thuận Lợi ở huyện Đồng Phú (Bình Phước), hưởng chênh lệch 3.000 đồng/kg. Chị Mỹ thật thà: “Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của ngân hàng, vợ chồng tôi phải đi vay chợ đen thì làm sao có lợi nhuận”.
Tính đến 31.7.2011, Ngân hàng CSXH đã cho 7.938 hộ sinh vay 111 tỷ đồng để thực hiện 7 chương trình phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Ông Võ Sá - Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Chơn Thành
Năm 2007, anh Nguyễn Văn Thuần ở ấp 3 khai vỡ đất trồng cao su. Được tổ vay vốn và tiết kiệm Hội ND giới thiệu, Ngân hàng CSXH cho anh vay 20 triệu đồng chương trình SXKD vùng khó khăn để trồng và chăm sóc cao su. Năm 2010, đến hạn trả nợ, cao su của anh chưa đến thời kỳ khai thác, Hội ND đề nghị ngân hàng cho anh được đáo hạn thêm một chu kỳ nữa. “Hết chu kỳ vay lần hai này cũng là thời điểm 6ha cao su khai thác mủ. Với giá mủ cao su hiện nay, vợ chồng tôi không thể không giàu”.
Theo ông Phan Xuân Long - Tổ trưởng tổ kế hoạch nghiệp vụ phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chơn Thành, đến 31.7.2011, dư nợ tín dụng của chương trình “Sản xuất kinh doanh vùng khó khăn” đạt trên 1 tỷ đồng cho 35 hộ vay. Các hộ này đều làm ăn hiệu quả.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.