Không để người tiêu dùng mãi ở thế yếu

Thứ năm, ngày 30/09/2010 08:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 29-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước đó, tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Bình luận 0

Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Đến ngày 25-9, đã nhận được 35 bản đóng góp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội và 5 góp ý của đại biểu Quốc hội.

Tại buổi họp hôm qua, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý về các vấn đề như vị trí của dự thảo luật trong hệ thống pháp luật hiện hành; vai trò, địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nghiệm của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cơ chế, hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.

Đa số các đại biểu nhất trí với cơ chế, hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu trong dự thảo luật. Một số ý kiến cho rằng hòa giải thương lượng là cần thiết nhưng không phải vấn đề nào cũng có thể áp dụng hòa giải nên cần có quy định chặt chẽ.

Trao đổi trong phần thảo luận, ông Trần Thế Vượng - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết: Việc thành lập tổ chức hòa giải khó thực hiện bởi việc này kèm theo kinh phí, cách thức hoạt động.

Thảo luận xung quanh tên của dự thảo luật cũng như xây dựng luật có nhiều lợi thế dành cho người tiêu dùng, một số ý kiến cho rằng điều này là không công bằng bởi giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất đều bình đẳng nên nếu xây dựng luật theo quan điểm này thì không đúng theo luật dân sự.

Một số ý kiến trong phần thảo luận đề nghị cùng với sự tham gia của các tổ chức xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng cũng nên giao quyền cho một số cơ quan quản lý nhà nước để có sức mạnh pháp lý thực thi công việc.

Phát biểu kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, xã hội. Riêng luật này thì khó bảo vệ người tiêu dùng trước nhiều vấn đề khác nhau mà cần cả sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật. Vì vậy, dự thảo luật này cần nhận định rõ ràng là người tiêu dùng ở thế yếu hơn bởi chỉ người sản xuất mới hiểu rõ chất lượng sản phẩm của họ, nên quy định trong luật nghiêng về người tiêu dùng để họ tự bảo vệ mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem