Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông.
Thưa nhà văn, cái khó nhất ông cảm thấy khi bắt tay vào viết kịch bản cho lễ kỷ niệm này là gì?- Thời gian diễn ra sự kiện này chính là một thử thách lớn với tôi. Bởi thường các lễ hội khác khai mạc vào ban đêm, có sự hỗ trợ của các thiết bị ánh sáng thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng đằng này là 45 phút trình diễn dưới ánh sáng ban ngày, không thể dựa dẫm vào các thứ phụ trợ, bởi thế phải làm sao cho kịch bản thực sự sinh động, chân thực, nghệ thuật và tràn đầy cảm hứng anh hùng.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (trái) tại sân khấu đang được xây dựng trước Đền Thề (Yên Thế, Bắc Giang) ngày 24.2.
Hơn nữa có một điểm đặc biệt, sân khấu được dựng ngay trước cửa đền Thề- một điểm nhấn đặc biệt quan trọng của khu di tích Yên Thế, công trình được chính cụ Đề Thám cho xây dựng để tổ chức các nghi lễ tế cờ, tổ chức hội thề, nơi các tướng sĩ cùng nghĩa quân làm lễ cắt máu ăn thề trước khi xuất quân đánh trận. Đền Thề được đưa vào kịch bản 5 cảnh này như một bối cảnh chính, nơi các diễn viên đứng chân hôm nay là nơi các nghĩa binh anh hùng từng đặt chân 130 năm về trước, điều đó rất có ý nghĩa và thiêng liêng.
Vậy ông dựa vào những tư liệu nào để hình thành nên những ý tưởng cho kịch bản này?
- Về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, có một điểm rất thuận lợi là không có một cuộc khởi nghĩa nào của nông dân mà lại có nhiều tư liệu như thế còn cho đến ngày hôm nay, phần lớn các tư liệu, hình ảnh, bút tích về nghĩa quân của cụ Đề Thám đều được người Pháp lưu giữ rất cẩn thận.
Chúng ta còn rất nhiều ảnh mà người Pháp lên chụp với các nghĩa quân nông dân, chụp cảnh sinh hoạt của các vị thủ lĩnh, binh sĩ trong đồn Phồn Xương... Theo người Pháp thừa nhận, cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đã gây nên một chấn động văn hóa với nước Pháp.
Kịch bản của tôi tập trung để làm nổi bật lên chất anh hùng quật cường khởi đầu từ mùa xuân năm 1884, tái hiện cuộc chiến đấu oai hùng của cụ Đề Nắm vào ngày 16.3.1884 phục kích quân Pháp tại Thái Nguyên, để rồi từ đó, phong trào kháng Pháp đã kéo dài suốt 30 năm vô cùng oanh liệt.
Việc tái hiện cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Yên Thế suốt 30 năm vào trong một vở sử thi 45 phút liệu có phải là một bài toán khó với ông và êkíp thực hiện?- Chúng tôi cũng xác định không thể ôm đồm toàn bộ các sự kiện mà chỉ tập trung vào những điểm nhấn quan trọng, những trận đánh quy mô, tái hiện mối tình của cụ Đề Thám với bà Ba Đặng Thị Nho- người vợ và cũng chính là người phụ tá, cùng với Cả Rinh, Cả Huỳnh, Cả Trọng… làm nên bộ khung trong khởi nghĩa Yên Thế. Dựng lại sự kiện nghĩa quân Yên Thế đàm phán với đại diện của Pháp, dẫn tới cuộc giảng hòa lần thứ nhất, lần thứ hai.
Một điểm nhấn là lễ hội Phồn Xương do Hoàng Hoa Thám chỉ huy tại đại bản doanh của cụ. Sinh thời, cụ Đề Thám đã quyết tâm xây dựng đồn Phồn Xương thành một “thế giới riêng biệt… giữa cái nơi gió mưa tanh tưởi” bốn bề là giặc cướp nước.
Cụ Phan Bội Châu trong lần đến thăm Phồn Xương đã kể lại: “Người rất đông đúc, tiếng gà, tiếng chó rộn vang, tựa như một cảnh đào nguyên của những bậc lánh đời vậy”. Kịch bản sẽ cố gắng tái hiện những vẻ đẹp đẽ, oai hùng nhất của cuộc kháng chiến.
Thưa ông, việc các lễ hội được “sân khấu hóa” kịch bản đang gây nên sự nhàm chán cho khán giả và khiến cho lịch sử bị tầm thường hóa khi không gây được ấn tượng nào đang là một vấn đề hiện nay. Ông có lo ngại và làm gì để tránh tình trạng này hay không?
Lễ hội kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế diễn ra từ ngày 15- 17.3 tại huyện Yên Thế với điểm nhấn là lễ khai mạc vào lúc 9 giờ sáng 16.3. Lễ hội Yên Thế đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012.
|
- Tôi xin nói rõ, “Hùng ca Yên Thế và khát vọng tự do” là một vở sử thi quảng trường, diễn ra ban ngày, sẽ không có các màn hát múa theo kiểu sân khấu tuồng chèo với trang phục diễn viên xanh, đỏ, tím, vàng.
Quyết tâm của tôi là tái hiện một cách chân thực nhất không khí mà cha ông chúng ta đã sống cách đây 130 năm, các thủ lĩnh, nghĩa binh sẽ có trang phục đúng như các bức ảnh tư liệu để lại, áo chỉ có đen và trắng, chân quấn xà cạp hoặc đi đất...
Chúng tôi sẽ làm hết tất cả với một sự tự hào về tinh thần dân tộc bất khuất của nghĩa quân, với ước muốn lớp trẻ ngày nay hiểu hơn về quá khứ. Tôi rất mong trước dịp lễ hội diễn ra, truyền hình sẽ phát sóng những phim tài liệu hay phim truyện về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, khán giả sẽ xem và thấy vì sao chúng ta có quyền tự hào về cuộc khởi nghĩa nông dân này, tự hào về dân tộc mình.
Về nhân vật trung tâm của vở diễn- thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám, ông sẽ xây dựng nhân vật này thế nào?- Nhân vật Hoàng Hoa Thám sẽ là nhân vật trung tâm của vở sử thi này chứ không phải nhân vật của lễ hội. Cụ xuất hiện với các nghĩa binh, là một nhân vật kiệt xuất mà người Pháp đã phải kính nể gọi là “hùm xám Yên Thế”.
Năm sinh hay sự hy sinh của cụ cho đến nay vẫn còn là một đề tài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhưng cụ là một niềm tự hào của người Việt, là biểu tượng cho tinh thần yêu nước và chống giặc ngoại xâm ngoan cường. Cuộc khởi nghĩa của cụ là một mốc son trong lịch sử dân tộc...
Với sự kiện này, tất cả những người thực hiện chúng tôi đều tâm niệm phải làm thế nào để không cảm thấy xấu hổ với các bậc tiền nhân.
Xin cảm ơn ông!
Lê Tâm (thực hiện) (Lê Tâm (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.