Không đồng tình tăng thêm một kỳ họp Quốc hội

Thứ tư, ngày 23/04/2014 11:13 AM (GMT+7)
Sáng nay, 23.4, trước đề xuất của Chính phủ xin tăng thêm một kỳ họp Quốc hội bất thường trong năm 2015 chuyên đề về xây dựng pháp luật, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tỏ ý không đồng tình.
Bình luận 0
Theo tờ trình về Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015, Chính phủ đề xuất hai phương án:

Phương án 1: Quốc hội tổ chức thêm 1 Kỳ họp chuyên đề (bất thường) về công tác xây dựng pháp luật.

Theo Phương án này, Chính phủ đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 gồm 38 dự án được chia làm 3 kỳ họp: Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật và Kỳ họp thứ 10. Trong số này, có 36 dự án luật và 2 dự án pháp lệnh.

Phương án 2: Quốc hội chỉ họp 2 kỳ.

Theo Phương án này, Chính phủ đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 gồm 34 dự án, giảm 4 dự án so với Phương án 1 là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ; Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật đấu giá tài sản; Luật du lịch (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thêm một kỳ họp chuyên đề Quốc hội để làm Luật là một đề xuất hay, nhưng chính là công tác soạn thảo chậm, không đạt yêu cầu đề ra. Cho nên có thể Quốc hội kéo dài thời gian họp để làm Luật tốt hơn.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình khi cho rằng: "Nếu thêm một kỳ họp nữa các đại biểu lại phải đi ra, đi vào. Nhưng băn khoăn lớn nhất là thời gian Chính phủ trình ra Quốc hội có kịp hay không? Chất lượng như thế nào? Chứ Luật kém mà trình ra cũng bó tay.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cũng cho rằng: "Tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề nữa không giải quyết được vấn đề. Bởi vì chất lượng Luật trình không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy chỉ cần họp năm 2 kỳ, nhưng kéo dài thời gian".

Chốt lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định: “Trong tờ trình của mình, Chính phủ chưa tính đến đặc điểm của năm 2015. Đó là năm Việt Nam tổ chức Đại hội đồng Nghị viện thế giới. Năm đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc. Như vậy, các Đại biểu Quốc hội là đảng viên đều phải đi họp, vậy có nên tổ chức tới 3 kỳ họp và nếu tổ chức thì vào lúc nào được. Cho nên tôi không đồng ý tăng thêm một kỳ họp nữa".

Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem