Không được vay vốn “67” vì… già!

Công Tâm Thứ sáu, ngày 23/09/2016 14:51 PM (GMT+7)
Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định 67, rất nhiều ngư dân ven biển vẫn chưa mặn mà với chính sách ưu đãi vay vốn vì nhiều lý do khác nhau. Để gỡ nút thắt này, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ban, ngành liên quan đã tổ chức buổi đối thoại với các ngư dân.
Bình luận 0

Đủ hồ sơ, ngân hàng vẫn không chấp nhận

Tại buổi đối thoại có hơn 70 ngư dân là các chủ tàu, đại diện các ngân hàng, lãnh đạo các sở, bảo hiểm cùng tham gia bàn về 3 vấn đề trọng tâm, gồm: Chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm và một số chính sách khác.

img

Ngư dân Khánh Hòa khát khao có những con tàu mới để vươn khơi. Ảnh: C.T

Tính đến thời điểm cuối tháng 8.2016, toàn tỉnh Khánh Hòa mới chỉ có 347 tàu tham gia mua bảo hiểm thân tàu với số tiền 4,2 tỷ đồng và 2.196 thuyền viên được mua bảo hiểm với số tiền 658 triệu đồng theo chính sách bảo hiểm của Nghị định 67.

Ngư dân Nguyễn Tơn (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) trăn trở: “Khi nghe thông tin Nghị định 67 của Chính phủ ra đời, tôi cùng các chủ tàu khác rất vui mừng và đó cũng là sự mong mỏi của rất nhiều ngư dân khu vực duyên hải miền Trung”. Tuy nhiên, khi ông tìm đến các cơ quan chức năng và ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, họ không cho vay với lý do… già rồi. Ngư dân Nguyễn Tơn xót xa nói: Trong Nghị định 67 không có quy định nào nói già thì không cho vay. Mặc dù năm nay tôi đã 73 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh để vay vốn đóng tàu, các điều kiện để đóng mới một chiếc tàu tôi đều điều đáp ứng đầy đủ. Tôi vay để cho con cháu đi đánh bắt xa bờ và có cam đoan trả nợ đầy đủ đúng theo quy định nhưng các cơ quan cùng ngân hàng nhất quyết không cho.

Cùng khó khăn như ông Tơn, bà Nguyễn Thị Hạnh (trú tại TP.Cam Ranh) cho biết, gia đình bà đã làm hồ sơ đóng tàu theo Nghị định 67 và đã được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phê duyệt từ năm 2015 nhưng khi đến làm việc tại ngân hàng thì họ không chấp nhận và yêu cầu bà phải thế chấp con tàu vỏ gỗ cũ  mà chồng bà đang sử dụng. Theo bà Hạnh, vay vốn theo Nghị định 67 không cần thế chấp tài sản, chỉ cần vốn đối ứng. “Về vấn đề vốn đối ứng gia đình vẫn đủ, tiền gửi trong ngân hàng vẫn còn và nếu bán thêm con tàu cũ tôi thừa tiền làm vốn đối ứng, thế nhưng ngân hàng vẫn ràng buộc” - bà Hạnh trăn trở.

Liên quan đến bảo hiểm, ngư dân Võ Huynh (Vĩnh Thọ, TP.Nha Trang) nói: Ngư dân như chúng tôi cũng rất muốn mua bảo hiểm để phòng ngừa, nhưng trình độ của các ngư dân còn hạn chế, khó khăn nhất là khi tai nạn xảy ra thì công ty bảo hiểm bắt ngư dân viết nhiều loại giấy.

Ngân hàng nào đòi tài sản thế chấp là không được

Theo Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của tỉnh Khánh Hòa, tính đến thời điểm ngày 31.8.2016, đã có 45 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu với tổng nhu cầu vốn vay là 408 tỷ đồng. Trong đó, đóng mới 33 tàu (6 tàu vỏ sắt, 23 tàu vỏ vật liệu mới, 4 tàu vỏ gỗ) và nâng cấp 12 tàu. Đã có 5 tàu cá đóng mới và 2 tàu nâng cấp đi vào hoạt động, 5 tàu composite đang triển khai đóng.

 Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tỉnh cho biết, Chương trình đóng tàu xa bờ theo Nghị định 67 của cả nước cũng rất khó khăn chứ không riêng tỉnh Khánh Hòa. Để tháo gỡ, ông Thiên đã chỉ đạo Sở NNPTNT rà soát lại khó khăn, vướng mắc của Nghị định 67. Cũng theo ông, từ nay đến cuối năm không được dừng lại, các hồ sơ đủ điều kiện tiếp tục triển khai cho vay, giải ngân vốn ngay. Đối với trường hợp của ông  Nguyễn Tơn, không có rào cản tuổi tác, ngư dân có vốn đối ứng, đủ thủ tục, có phương án trả nợ là cho vay.

Còn về thế chấp tài sản khi vay vốn, ông Thiên cho hay, cán bộ ngân hàng nào, cơ quan tín dụng nào yêu cầu thế chấp tài sản là không được, nếu chủ đầu tư nào tự nguyện thế chấp thì được ưu tiên số 1, còn không thì không được ép ngư dân thế chấp khi ngư dân đã đủ điều kiện về vốn đối ứng. Riêng vấn đề cải hoán tàu cá và ngư lưới cụ, tùy trường hợp để áp dụng. Ngư dân vay vốn cải hoán thấy khả thi thì cho vay, vì cải hoán để nâng cấp máy, tàu nhằm hoạt động tốt hơn, nhưng những trường hợp nâng cấp ngư lưới cụ phải tùy trường hợp cụ thể. Ông Thiên nhấn mạnh: “Tôi hứa sẽ giải quyết đến nơi đến chốn và hết sức tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem