Không giải bài toán về quỹ đất, nhà ở xã hội khó phát triển

Thái Nguyễn Chủ nhật, ngày 02/07/2023 18:34 PM (GMT+7)
Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội muốn đạt hiệu quả, ngoài các giải pháp về cơ chế chính sách, về nguồn vốn,.. thì quỹ đất theo quy hoạch phát triển nhà ở xã hội là yếu tố “then chốt”.
Bình luận 0

Thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển nhà ở xã hội là việc quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở tại các khu đô thị, khu công nghiệp cho những người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo Luật Đất đai thì các dự án phát triển nhà ở xã hội thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quá sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất nhưng pháp luật về nhà ở quy định dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không phải bằng nguồn vốn đầu tư công thì Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Cùng với đó, việc dành quỹ đất 20% thuộc các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa được thực hiện triệt để hoặc chưa được sử dụng đúng mục đích. Ngoài ra, thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn; nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Việc xác định quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội vẫn dựa hoàn toàn vào quy hoạch và quyết định của UBND cấp tỉnh.

Không giải bài toán về quỹ đất thì nhà ở xã hội khó phát triển - Ảnh 1.

Thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí hạ tầng, giao thông thuận lợi (Ảnh: TN)

Tại Hà Nội, hiện nay quy định của pháp luật về dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội còn có điểm bất cập, nhiều dự án phát triển nhà ở thương mại ở khu vực ngoại thành không phù hợp bố trí nhà ở xã hội (như Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức…). Ngoài ra, dự án nhà ở thương mại có quy mô ≥ 2ha nhưng có diện tích đất xây dựng nhà ở nhỏ, theo quy định vẫn phải dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Do đó việc phải bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án không phù hợp và manh mún.

Còn tại TP.HCM, UBND thành phố kiến nghị để hoàn thành đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, cần rà soát công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Đặc biết, quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Băn khoăn quy định phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay thành phố có 33 dự án nhà ở thương mại thuộc diện dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó có 14 dự án đã có đất sạch. Còn lại 19 dự án, chủ đầu tư chưa thực hiện xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Nguyên nhân bởi nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì quy định dành 20% quỹ đất thương mại để xây nhà ở xã hội còn mang tính hình thức, khó thực hiện. Trong đó, một khu đô thị để dành ra một quỹ nhà ở xã hội thì rất khó thực hiện và nếu thực hiện rất khó đưa ra giá bán.

Không giải bài toán về quỹ đất thì nhà ở xã hội khó phát triển - Ảnh 2.

Cần sớm giải quyết quy định phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (Ảnh: Quang Duy)

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để thực hiện thành công đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cần có chính sách quan trọng về quỹ đất theo quy hoạch.

"Cần thay đổi quy định dành 20% quỹ đất của dự án nhà ở thương mại trên 2 ha. Cụ thể, không cần phân biệt quy mô, diện tích dự án mà chỉ quy lại thực hiện bằng hai hình thức. Thứ nhất, có thể xây tại dự án nếu chủ đầu tư thấy phù hợp. Thứ hai là hoán đổi bằng quỹ nhà có giá trị tương đương, có thể quy định thành công thức cố định", ông Châu kiến nghị.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc bỏ quy định bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội là hợp lý. Tuy nhiên, cần có quy định rõ trách nhiệm quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội với từng địa phương.

Tuy nhiên, theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, chủ trương dành 20% quỹ đất trong các khu đô thị mới để xây dựng nhà ở xã hội là nhằm phát triển hài hòa, nâng cao chất lượng sống cho người thu nhập thấp và công nhân. "Đây là bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển ở châu Âu phân hóa giàu, nghèo, làm khó cho người nghèo tiếp cận thuận tiện với giáo dục, với thương mại, dịch vụ... đề nghị giữ nguyên quy định dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội để thực hiện định hướng đã xác định trong hiến pháp: tạo thuận lợi để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội. Trường hợp chủ đầu tư không xây dựng trên quỹ đất 20% cần thu hồi để lựa chọn chủ đầu tư khác", ông Nghiêm chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem