Không lung lay niềm tin vào Việt Nam

Thứ năm, ngày 05/06/2014 09:48 AM (GMT+7)
"Các nhà đầu tư vẫn không thay đổi và vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài) vẫn có xu hướng vào Việt Nam dù những bất ổn, căng thẳng trên Biển Đông do Trung Quốc đang gây ra".
Bình luận 0
Đây là nhận định của các chuyên gia và các tổ chức quốc tế trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ với chủ đề “Từ Chương trình tới hành động – Chuẩn bị sẵn sàng cho các Hiệp định Thương mại mới” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hôm nay (5.6).

Tin tưởng môi trường đầu tư Việt Nam


Chủ tịch VCCI ông Vũ Tiến Lộc khẳng định: "Không phải ngẫu nhiên chủ đề của VBF giữa kỳ năm nay kêu gọi các DN đã, đang và dự định làm ăn tại Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho các hiệp định thương mại tự do mới. Bởi các hiệp định thương mại tự do là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào đó, bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam".

Công nhân làm việc trong Nhà máy Panasonic Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội).
Công nhân làm việc trong Nhà máy Panasonic Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội).

Theo ông Lộc, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn nhất trên thế giới, trong đó trước hết phải kể đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn nước rút. Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay. "Việc chuẩn bị để đất nước sẵn sàng đón nhận các cơ hội cũng như vượt qua các thách thức từ các hiệp định thương mại tự do được đặt ra ở thời điểm này cấp bách hơn bao giờ hết"- ông Lộc nói.

Kể từ đầu tháng 5 đến nay, Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do cũng được cho là một cách thức hữu hiệu để Việt Nam duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào cường quốc này. Trước thềm hội nghị này, ông Preben HJortlund- Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Euro Cham) tại Việt Nam khẳng định: Euro Cham sẽ tiếp tục nỗ lực để quảng bá cho Việt Nam như một điểm đến thương mại và đầu tư cho cả các DN châu Âu và Việt Nam. "Niềm tin vào môi trường của Việt Nam ở các nhà đầu tư không hề lung lay. Các nhà đầu tư vẫn tin vào môi trường đầu tư an toàn, ổn định của Việt Nam hiện nay. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam, với tất cả các thành viên và đối tác ở Việt Nam và châu Âu của chúng tôi, để tối đa hóa thành công của họ ở một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn"- ông Preben HJortlund nói.

Thúc đẩy niềm tin

Ông Mark Gillin- Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cũng phát đi thông điệp: TPP là cơ hội để Việt Nam phát triển và đổi mới mô hình tăng trưởng. Các nghiên cứu đã chỉ ra Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong số các quốc gia đang đàm phán ký kết hiệp định này về tăng xuất khẩu và tăng GDP. TPP không chỉ giúp khu vực tư nhân tiếp cận các thị trường trọng yếu dễ dàng hơn, thúc đẩy cạnh tranh mà còn giúp Việt Nam thu hút FDI, phát triển hệ thống chuỗi phân phối trọng yếu, mang lại lợi ích lớn cho người dân Việt Nam và các DN đầu tư vào Việt Nam. TPP thành công sẽ thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20.5, cả nước có 500 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 110 dự án so với tháng 4.2014) với tổng vốn đăng ký 3,669 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy, các DN FDI vẫn vững tin vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Trước thềm diễn đàn này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng chuyển một thông điệp rằng, chuẩn bị tốt cho các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là thời cơ để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI. Thực tế hiện nay theo ông Doanh, sản xuất trong ngành dệt may chúng ta đã phải nhập 50-60% nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Trung Quốc cung ứng tín dụng, vật tư nguyên liệu... "Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, công nghệ từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Nga, Ukraine và các nền kinh tế khác"-ông Doanh nói. Theo chuyên gia kinh tế này, với máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng có giá cả hợp lý hơn sẽ phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc. Ngay tại diễn đàn này, Việt Nam cũng đồng thời kêu gọi, thu hút DN FDI đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu đầu vào trong một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Việt Nam.

Mai Hương (Mai Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem