"Không lường trước được" việc đóng cửa nhà máy tại Việt Nam, Nike cắt giảm triển vọng doanh thu

NTTD Chủ nhật, ngày 26/09/2021 09:00 AM (GMT+7)
Nike hạ dự báo doanh thu trong năm tài chính 2022 khi làn sóng dịch Covid-19 mới nhất tại Việt Nam và Indonesia gây áp lực cho chuỗi cung ứng hàng hóa của hãng thời trang thể thao lớn bậc nhất hành tinh.
Bình luận 0

Nike làm ăn ra sao trong quý vừa qua?

Trong quý 1 năm tài chính 2022 (gọi tắt là FY2022) của Nike kết thúc vào 31/8 qua, gã khổng lồ thời trang thể thao báo cáo doanh số bán hàng tăng 16% lên 12,2 tỷ USD, một con số thấp hơn mức dự báo 12,47 tỷ USD mà các nhà phân tích kỳ vọng trong cuộc thăm dò của FactSet. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của hãng lại vượt dự báo với mức tăng trưởng lên tới 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính theo khu vực, doanh số bán hàng tại châu Á - Mỹ La Tinh có mức tăng trưởng ngoạn mục 33%, trong khi doanh số tại Bắc Mỹ tăng 15% so với Q1/FY2021. Trung Quốc đại lục - thị trường mục tiêu quan trọng của Nike cũng ghi nhận mức tăng trưởng 11%. Bắc Mỹ vẫn là thị trường chủ lực đóng góp tới 39,9% vào tổng doanh thu của Nike.

Doanh số bán hàng trực tiếp tăng 28% lên 4,7 tỷ USD, trong khi doanh số bán hàng qua các kênh online - kỹ thuật số tăng 29% khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tiếp tục tăng cao trong thời kỳ đại dịch.

Tỷ suất EPS (lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu) đạt 1,16 USD/cp, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020 và vượt qua mức dự báo 18% của các nhà phân tích FactSet.

Nike hạ dự báo doanh thu, "không lường trước được" việc đóng cửa nhà máy tại Việt Nam - Ảnh 1.

Doanh thu và lợi nhuận của Nike tiếp tục tăng trong quý 1 năm tài chính 2022 (quý kết thúc vào 31/8 qua), tuy nhiên mức tăng trưởng doanh thu không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích

Nike hạ dự báo doanh thu, "không lường trước được" việc đóng cửa nhà máy tại Việt Nam - Ảnh 2.

Bắc Mỹ và Trung Quốc đại lục là hai thị trường quan trọng hàng đầu của Nike, nhưng thị trường châu Á - Mỹ Latinh đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh số và tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu tăng mạnh.

CFO Nike Matthew Friend nhấn mạnh gã khổng lồ thời trang thể thao có thể đã có một quý kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ hơn nếu không có vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung hàng hóa sẵn có. 

Theo ông Friend, Nike hiện đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ thiếu container vận chuyển cho đến thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng đóng cửa tạm thời các nhà máy sản xuất ở Việt Nam và Indonesia. 

Bức tranh chuỗi cung ứng kém tươi sáng trong ngắn hạn đã buộc Nike cắt giảm triển vọng doanh thu cả năm mặc dù nhu cầu người tiêu dùng với sản phẩm của hãng đang cao hơn bao giờ hết. Nike cũng dự báo tăng trưởng doanh thu trong năm tài chính hiện tại chỉ đạt mức một con số, thấp hơn mức dự báo tăng trưởng hai con số mà hãng này đưa ra trước đó. 

Cung không đủ cầu khi nhà máy Nike tại Việt Nam tiếp tục tạm ngừng hoạt động

“Trong 90 ngày qua, đã có hai điều chúng tôi không lường trước được: Thứ nhất, thời gian vận chuyển vốn đã lâu nay càng trở nên tồi tệ hơn; thứ hai, chính quyền địa phương yêu cầu tạm đóng cửa các nhà máy ở Việt Nam và Indonesia”, ông Matthew Friend cho hay.

Nike hạ dự báo doanh thu, "không lường trước được" việc đóng cửa nhà máy tại Việt Nam - Ảnh 3.

Nhiều nhà máy Nike tại Việt Nam vẫn đang tạm ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19 (Ảnh: Getty Images)

Thời gian vận chuyển sản phẩm Nike từ châu Á đến Bắc Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 40 ngày lên 80 ngày do tình trạng thiếu container. Tại các khu vực khác như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, thời gian vận chuyển cũng tăng vọt do tình trạng tắc nghẽn cảng, đường sắt cũng như thiếu hụt lao động. Chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh, chủ yếu do giá cước logistics bị đẩy lên trong suốt năm qua, ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của hãng. 

Để giải quyết tình trạng chậm trễ trong vận chuyển, Nike hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh các chuyến hàng bằng đường hàng không để phục vụ kỳ mua sắm trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và cuối năm sắp tới. Tuy nhiên, việc cước vận tải tăng cao có thể buộc hãng thời trang thể thao nâng giá sản phẩm, chuyển một phần gánh nặng lên vai người tiêu dùng.

Hơn 55% doanh thu của Nike đến từ mảng kinh doanh giày dép. Khoảng 75% sản lượng giày hàng năm của Nike được sản xuất tại các quốc gia Đông Nam Á, 51% trong đó sản xuất tại Việt Nam. Nhưng làn sóng dịch Covid-19 mới nhất ở Việt Nam đã buộc các nhà máy phải tạm đóng cửa từ tháng 7 và vẫn tiếp tục ngừng hoạt động gần như toàn bộ cho đến nay. Theo CFO Nike, việc mở cửa sản xuất trở lại với 100% công suất sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Tin tức về triển vọng kinh doanh ảm đạm đã khiến cổ phiếu Nike tụt 4% trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu ngày 24/9. Tuy nhiên trong dài hạn, một khảo sát của Tipranks với 25 nhà phân tích cho thấy dự báo giá cổ phiếu Nike có thể tăng lên 221 USD/cp từ mức trung bình 12 tháng gần nhất là 187,26 USD/cp. 21 nhà phân tích xếp hạng “Mua” cho cổ phiếu Nike, 3 nhà phân tích cho rằng nên “Giữ” và chỉ 1 người cho rằng nên “Bán”. Đa số các nhà phân tích cho rằng gián đoạn tại các nhà máy ở Việt Nam chỉ gây ra tác động tạm thời và không ảnh hưởng lớn đến triển vọng cổ phiếu cũng như kinh doanh của Nike trong dài hạn.

Thêm vào đó, các hãng thời trang bán lẻ đối thủ của Nike như Adidas, Crocs và Hasbro cũng không tránh khỏi hệ lụy từ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ngay trước thềm mùa mua sắm cuối năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem