Ngày 11.1, PGS Phu cho biết, 1 em tử vong sau tiêm chủng vào tháng 12.2016 sẽ được nhận bồi thường. Ngoài phí khám chữa bệnh, phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ bản thì thân nhân gia đình sẽ được nhận 100 triệu đồng bù đắp tổn thất về tinh thần…
Trước đó, ngày 1.7.2016, Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng có hiệu lực. Nghị định đã nêu rõ điều khoản bồi thường khi có trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch miễn phí của Nhà nước. Điều 15, chương 3, nếu rõ các trường hợp được Nhà nước bồi thường gồm: Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; Người được tiêm chủng bị tử vong.
Theo Nghị định, người sử dụng bị thiệt hại để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút.
Tai biến tiêm chủng là điều không ai mong muốn dù tỷ lệ rất thấp (ảnh minh họa IT)
Người sử dụng bị thiệt hại đến tính mạng được hỗ trợ: các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong; chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định; chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100 triệu đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại và các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định, người bị di chứng sau tiêm chủng nếu có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Phần đồng chi trả còn lại sẽ được thanh toán theo hóa đơn.
Người không có thẻ bảo hiểm y tế thì thanh toán theo hóa đơn với giá dịch vụ khám chữa bệnh quy định đối với các cơ sở y tế công lập.
Trường hợp người tai biến sau tiêm chủng đi khám bệnh mà phát hiện các bệnh lý khác không liên quan đến tiêm chủng thì phải tự thanh toán.
Trước đó, PGS Phu cũng cho biết, khi có các trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin, Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng khoa học đánh giá phản ứng tai biến sau tiêm chủng một cách khách quan, công tâm. Nếu kết quả là do vắc xin thì nhà cung cấp vắc xin sẽ bồi hoàn cho Nhà nước, do tiêm chủng thì cán bộ tiêm chủng bồi hoàn cho Nhà nước. Và Nhà nước sẽ có trách nhiệm bồi thường cho các trường hợp bị tai biến sau tiêm chủng. Việc tìm rõ nguyên nhân ở đâu để không chỉ bồi thường mà còn khắc phục nếu tai biến do sai sót tiêm chủng.
Theo PGS Phu, chẩn đoán lâm sàng chỉ phát hiện được 40% bệnh lý, còn lại phải trông chờ vào các xét nghiệm cận lâm sàng. Do đó, những trường hợp trẻ tử vong không rõ nguyên nhân sẽ được cân nhắc để được bồi thường. Việc có nhận được bồi thường hay không sẽ do Hội đồng chuyên môn căn cứ vào các quy định tại thông tư hướng dẫn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.