Không sử dụng linh vật “ngoại lai” : Sức đề kháng văn hóa phải dựa trên sự hiểu biết

Mai An (thực hiện) Thứ tư, ngày 20/08/2014 07:07 AM (GMT+7)
Xung quanh văn bản 2662 mà Bộ VHTTDL vừa ban hành về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, hiện đang có rất nhiều ý kiến bàn luận. Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh) về vấn đề này. 
Bình luận 0

Ông có cho rằng văn bản của Bộ VHTTDL ra vào thời điểm này có nhiều người cho rằng là quá muộn, các linh vật, sản phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục đã và đang lan tràn khắp nơi?

- Trước tiên tôi khẳng định chúng ta cần phải khen ngợi văn bản này của Bộ VHTTDL bởi vì dù muộn còn hơn không. Bao nhiêu năm nay đã tràn lan tình trạng những linh vật lạ đưa vào chùa chiền, công sở nhưng đến bây giờ chúng ta mới có được một chỉ đạo cương quyết loại bỏ nó, đó là điều cần ghi nhận.

Ở Trung Quốc, tại những công quán ngày xưa người ta hay đặt sư tử đá để tạo sự uy nghiêm và “dọa” dân, quan điểm của chúng ta đâu phải như thế, dân hay quan cũng đều phải phục tùng luật pháp.

Tôi nghĩ rằng đầu tiên là những cơ sở nhà nước nên loại bỏ, rồi những nơi thờ tự chùa chiền thì phải phối hợp với Hội Phật giáo để bàn xem trong một nơi thờ tự như thế có nên có vật lạ hay không.

Muốn gì cũng phải căn cứ vào Luật Di sản, luật đã quy định rồi, di tích thì được đặt cái gì, muốn đặt cái gì phải có điều kiện thế nào.

Có ý kiến cho rằng việc đặt các linh vật ngoại lai như sư tử đá đều từ những người có tiền, có quyền, chứ dân thì lấy đâu ra tiền mà “chơi”?

- Chúng tôi đi khảo sát đã thấy có chuyện này, khi tôi và GS Hoàng Đạo Kính ra Trường Sa thì thấy Đài liệt sĩ chưa xây xong đã có 2 bức tượng sư tử Tàu ngồi đó rồi. Hóa trong đất liền có một vị quan chức nào đó đã gửi ra với thành ý muốn đóng góp.

Gần đây là một công trình quan trọng của đất nước cũng bày sư tử đá, họ bảo các đồng chí ở địa phương gửi biếu. Vấn đề ở đây là phải trang bị cho toàn xã hội kiến thức và có những quy định hết sức cụ thể.

Trong lịch sử mỹ thuật truyền thống, Việt Nam từng có rất nhiều linh vật đẹp, vậy theo ông tại sao nó bị lãng quên?

- Đúng là khi loại bỏ những linh vật, sản phẩm xa lạ thì điều quan trọng hơn là chúng ta phải có những sản phẩm thay thế và phát huy những sản phẩm của văn hóa truyền thống, chúng ta có những con nghê, con sấu, con voi rất đẹp nhưng rất ít được bày.

Nhân dịp này khi Bộ VHTTDL có chỉ đạo có tính nguyên tắc như thế thì các cấp, các ngành phải rà soát lại và tôi mong muốn giới mỹ thuật và giới nghiên cứu văn hóa nên cố gắng phát huy và quảng bá những mẫu hình đẹp.

Nếu chúng ta thờ Quan Vân Trường vì tôn trọng cái chính nghĩa của ông thì tại sao chúng ta không thờ Thánh Gióng hay Đức Thánh Trần? Đó là những hình tượng đẹp cũng có những phẩm chất ấy và thêm nữa, họ gắn bó với dân tộc.

Có người cho rằng ở bên cạnh một nền văn hóa lớn, chuyện bị ảnh hưởng là đương nhiên, vậy chúng ta phải ứng xử ra sao với những vấn đề này?

Quan điểm
img
Nhà sử học Dương Trung Quốc
  Bao nhiêu năm nay đã tràn lan tình trạng những linh vật lạ đưa vào chùa chiền, công sở nhưng đến bây giờ chúng ta mới có được một chỉ đạo cương quyết loại bỏ nó, đó là điều cần ghi nhận...  
- Việc bị ảnh hưởng văn hóa từ những nền văn hóa lớn là một chuyện, nhưng cái thói quen tập quán thì chúng ta phải có sự kiểm soát.

Chúng ta không kỳ thị văn hóa của bất cứ một quốc gia nào. Con sư tử - với người Trung Quốc là linh vật, linh thiêng, rất đẹp, đó là giá trị cần trân trọng nhưng phải đặt đúng chỗ.

Cha ông chúng ta sống hàng ngàn năm bên cạnh Trung Quốc nhưng không bao giờ có một con sư tử Tàu chui được vào trong làng xã, chùa chiền, một công sở nơi kinh đô nào hết, vì ngày xưa người dân rất có ý thức dân tộc.

 Lấy một ví dụ thế này, trước năm 1954, ở Hà Nội, cứ thấy con sư tử nào là biết ngay đó là chùa Tàu hoặc hội quán của người Hoa, không lẫn lộn vào đâu được, và mọi người đều tôn trọng việc đó.

Nhưng bây giờ thì tràn lan vì không ai nhắc nhở, người dân không hiểu biết, tưởng thế là đẹp. Bên cạnh đó cũng cần thấy, sức đề kháng văn hóa của chúng ta phải trên cơ sở hiểu biết của người dân và trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Thiếu hai yếu tố đó thì bản sắc văn hóa sẽ không thể tự bảo vệ được trước sự xâm lăng của các yếu tố bên ngoài.

Từ linh vật, sản phẩm thờ tự để nhìn rộng ra những lĩnh vực khác của văn hóa, có thể thấy văn hóa trong nước đang bị lép vế, ông có đồng tình với nhận định này?

- Đúng, có rất nhiều lĩnh vực, lớn hay nhỏ đều cho thấy điều đó. Tôi cho rằng thái độ của chúng ta phải hết sức chủ động, mình làm chủ đất nước mình thì phải chủ động bảo vệ bản sắc. Đặc biệt lĩnh vực văn hóa thì phải hết sức tránh thái độ kỳ thị nhưng phải làm đúng trách nhiệm là bảo tồn và phát huy văn hóa Việt.

Nhìn sang lĩnh vực khác như âm nhạc chẳng hạn, phải hết sức lưu ý đến những trào lưu âm nhạc ngoại lai trong giới trẻ. Âm nhạc muốn bảo tồn thì phải là sự trao truyền giữa các thế hệ, phải có kế thừa, nếu không thì âm nhạc truyền thống chỉ còn nơi duy nhất là sống trong bảo tàng, phải có sự đầu tư của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa và phải có chính sách điều chỉnh nó.

Nếu những bạn trẻ tóc vàng tóc đỏ hát như người Hàn, các nhà quản lý văn hóa không buông lỏng, không cấm đoán, mà phải có sự trang bị kiến thức cho các bạn trẻ, đó mới là làm đúng trách nhiệm với xã hội.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem