Không thể phó mặc người tâm thần cho gia đình

P.V Thứ tư, ngày 06/08/2014 07:20 AM (GMT+7)
Những ý kiến phản hồi của độc giả sau khi đọc bài “Từ vụ thanh niên bị tâm thần chém chết 4 người thân: Quản lý lỏng, hậu quả lớn” - (Báo Nông thôn ngày nay số 186/2014).
Bình luận 0

 Gia đình ông Hoàng Văn Hà ở xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên có 4 người con đều bị tâm thần. Ông Hà lâm bệnh rồi mất, để lại cho bà 4 đứa con điên dại, bà rất mong được đưa các con đến bệnh viện chữa trị hoặc đưa vào trại tâm thần.

Xã Điềm Mặc rất quan tâm, giúp đỡ gia đình bà Hà nhưng việc giúp các con bà được vào các trại, bệnh viện tâm thần thì rất lúng túng. Đã có nhà hảo tâm đến giúp đỡ và đi hỏi thủ tục cho các con bà Hà vào bệnh viện tâm thần nhưng đều nhận được lời từ chối hoặc đưa ra các yêu cầu mà gia đình khó thực hiện. 

Lưu Văn Sỹ (Định Hóa, Thái Nguyên)

Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu việt, trợ giúp cho người bệnh tâm thần như được cấp thuốc miễn phí, hàng tháng được hưởng một khoản trợ cấp… Những người nặng thì vào bệnh viện, vào viện tâm thần. Những người bệnh nhẹ hoặc điều trị đỡ thì cho về nhà chữa tiếp, nhưng việc sinh hoạt, đi lại của họ ra sao thì bị thả nổi. Không ít những thảm cảnh thương tâm đã xảy ra, có người lên cơn quậy phá, rồi đâm chém, giết người… Tôi nghĩ Nhà nước cần phải có biện pháp cụ thể hơn để quản lý người bệnh tâm thần, để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Đặng Đức Năng (Quảng Yên, Quảng Ninh)

 Gia đình tôi có người chị bị động kinh nên khổ lắm. Nhà đông anh em nhưng vì cuộc sống nên đều đi làm ăn xa, mọi sinh hoạt của chị đều do mẹ tôi gánh vác hết. Bây giờ bà mất rồi, chị tôi chẳng biết nương tựa vào ai. Có lần chị tôi lên cơn động kinh, ngã xuống ao, may có người phát hiện, cứu giúp. Lòng dạ chúng tôi lúc nào cũng bất an. Muốn cho chị vào bệnh viện tâm thần thì không có tiền. Biết rằng đất nước còn khó khăn, nhưng Nhà nước cũng nên đầu tư thêm cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị người tâm thần.

Trần Văn Tùng (Giao Thủy, Nam Định)

 Việc quản lý người tâm thần hiện nay chủ yếu giao cho gia đình. Mà thông thường gia đình có người bị bệnh đã khó khăn, kiệt quệ lắm rồi. Ai cũng phải lo làm ăn để mong có được miếng cơm, manh áo, thiếu người trông coi người bị bệnh. Bởi vậy người bị bệnh nặng thường bị xích, thậm chí có gia đình còn cho vào cũi. Không ít trường hợp người tâm thần lang thang ngoài đường, không những nguy hiểm cho người khác mà còn nguy hiểm cho chính bản thân họ. Rất mong Nhà nước và các cơ quan bảo trợ xã hội quan tâm hơn đến đối tượng này.

Trần Lệ Hồng (Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem