Theo phân bổ của Bộ GD&ĐT, hệ ĐH, CĐ sẽ tăng 6,5%, ước tính khoảng 548.000 chỉ tiêu; hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tăng 10%, ước tính khoảng 19.000 chỉ tiêu, tập trung chủ yếu đào tạo sư phạm mẫu giáo, điều dưỡng, dược, luật, nông - lâm nghiệp.
|
Sinh viên tình nguyện hướng dẫn điểm thi cho thí sinh năm 2010. |
Giải thích về mức tăng này, một chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ chỉ ưu tiên tăng chỉ tiêu cho những trường có bổ sung lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất và đảm bảo được đầu ra cho sinh viên. Ngoài ra sẽ tăng chỉ tiêu cho những ngành đào tạo nguồn lực theo địa chỉ, như: Các khu công nghiệp, kinh tế trọng điểm, đào tạo bác sĩ, dược sĩ cho các địa phương, đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên những bộ môn còn thiếu cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc, 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; đào tạo cán bộ nông - lâm - ngư theo hợp đồng…
Thế nhưng, "cái lý" này xem ra không ổn, bằng chứng là mùa tuyển sinh năm 2010, nhiều trường phải buộc lòng đóng cửa khối ngành nông - lâm - ngư do không có đủ học sinh cho năm học mới. Vậy mà năm 2011, khối này lại tiếp tục được tăng chỉ tiêu.
Đứng đầu bảng về tăng chỉ tiêu là Trường Đại học Lâm nghiệp, dự kiến tăng 300 chỉ tiêu với tổng chỉ tiêu là 1.900. Để khắc phục những khó khăn trong tuyển sinh, trường này đề xuất mở rộng khối thi cho từng ngành, ngoài những khối thi truyền thống (A, B) như các năm trước.
Tương tự, năm 2010, Trường Đại học An Giang đã phải đóng cửa 5 ngành học, trong đó có 3 ngành thuộc khối nông - lâm nhưng năm 2011 trường vẫn dự kiến tăng 10% chỉ tiêu (khoảng trên 3.000 chỉ tiêu). Ông Hoàng Xuân Quảng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm nay trường có "tháo gỡ" cho khối ngành này bằng cách liên thông đào tạo với các Trường Nông nghiệp Huế, Đại học Cần Thơ, Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh với những mã ngành nông - lâm nhu cầu xã hội cần nhiều". Theo đó, khoảng 16 mã ngành mới sẽ được mở theo hình thức liên kết này. Lý giải về việc tăng chỉ tiêu theo cách này, ông Quảng nói mơ hồ: "Liên kết đào tạo được coi là hướng làm mới có lợi cho cả trường và sinh viên".
Theo ông Nguyễn Tấn Vui - Phó Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên: "Một số ngành nông, lâm năm trước rất khó tuyển nhưng năm nay vẫn phải duy trì và tăng chỉ tiêu khoảng 7 - 8%. Hy vọng chỉ tiêu nhiều, tỉ lệ chọi giảm sẽ hút sinh viên và tuyển đủ”.
Năm 2010, Bộ GD&ĐT giao cho các trường ĐH tuyển sinh 123.750 chỉ tiêu thì chỉ tuyển được 118.035 chỉ tiêu (đạt 95,8%); hệ CĐ là 14.550 chỉ tiêu, tuyển được 16.035 chỉ tiêu (đạt 110,2%), hệ TCCN được giao 17.100 chỉ tiêu nhưng chỉ đạt được 7.041 chỉ tiêu. Như vậy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm trước ở tất cả các hệ đều không đạt được như mong muốn.
Thiên Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.