Một khu rừng ở Đồng Nai, đi vô thấy con chim hoang dã lạ mắt, lông trắng toát, mỏ như cái thìa

Thứ năm, ngày 26/12/2024 05:43 AM (GMT+7)
Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai nằm trải dài qua địa bàn các xã của huyện Vĩnh Cữu, Tân Phú, Trảng Bom, Thống Nhất và Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai phong phú về động vật hoang dã, với 1.817 loài. Nhiều loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như: Voi rừng, báo gấm, gấu chó, bò tót…
Bình luận 0

Được thành lập trên cơ sở đổi tên Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nằm trải dài qua địa bàn các xã của huyện Vĩnh Cữu, Tân Phú, Trảng Bom, Thống Nhất và Định Quán, tỉnh Đồng Nai. 

Hiện KBT giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH), BVMT, điều hòa nguồn nước cho thủy điện Trị An, chống xói lở, bảo vệ đất, khu dân cư sống ven khu rừng và bảo tồn các giá trị di tích lịch sử nhân văn.

Theo Báo cáo “Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và điều tra, đánh giá bổ sung, cập nhật hiện trạng ĐDSH tỉnh đến năm 2015”, khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên là 100.303,8 ha, trong đó, rừng và đất rừng 67.903,8 ha, hồ Trị An 32.400 ha. 

Nơi đây tập trung phần lớn rừng tự nhiên còn lại của tỉnh Đồng Nai, với hầu hết các loại rừng trong khu vực được hình thành, từ kiểu rừng trên đất thấp ven sông đến rừng trên núi, giữ chức năng quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn hồ Trị An, góp phần tái tạo sự cân bằng sinh thái cho vùng tam giác trọng điểm phía Nam.

Giá trị đa dạng sinh học ở khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai

Theo thống kê cho thấy, khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai có tổng số 1.552 loài thực vật bậc cao, 166 họ, 95 bộ, 10 lớp, thuộc 6 ngành, trong đó, 43 loài nằm trong danh lục Đỏ IUCN (2015), 36 loài trong sách Đỏ Việt Nam (2007), 11 loài nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, 6 loài thực vật đặc hữu của Đồng Nai như: Cù đèn, lát hoa, ngâu, bướm bạc, hạ đệ, xú hương Biên Hòa. 

Ngoài ra, KBT còn có 103 loài cây dược liệu quý, hiếm cần được bảo vệ nguồn gen và phát triển rộng như: Củ bình vôi, rau sắng, giảo cổ lam, ba kích, lan kim tuyến (nhóm 1B)…

Không chỉ đa dạng về các loài thực vật, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai còn phong phú về động vật hoang dã, với 1.817 loài.

Nhiều loài thực vật quý hiếm ở Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như: Voi rừng, báo gấm, gấu chó, bò tót…

Lớp thú có 85 loài, 27 họ và 10 bộ, trong đó, có 36 loài quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á gồm: bò tót, bò bangten, voi, gấu chó, sói lửa...; 25 loài ghi trong danh lục Đỏ IUCN (2015); 27 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); 27 loài ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. 

Chim hoang dã có 284 loài, 59 họ và 18 bộ (với 21 loài chim quý hiếm, 12 loài ghi trong sách Đỏ Việt Nam; 11 loài ghi trong danh lục Đỏ IUCN). 

Nhóm động vật lưỡng cư - bò sát đã ghi nhận 27 loài quý hiếm, với 13 loài trong Danh lục Đỏ IUCN, 19 loài trong sách Đỏ Việt Nam 2007, 15 loài ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Nhóm cá gồm 27 loài quý hiếm hoặc có giá trị bảo tồn, trong đó, 6 loài nằm trong sách Đỏ IUCN (2015) và 6 loài trong sách Đỏ Việt Nam (2007). 

Đặc biệt, có 2 loài bướm phượng cánh chim chấm liền và rừng đuôi trái đào được ghi tên trong Danh sách các loài nguy cấp, quý hiếm thuộc Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai còn có 3 di tích lịch sử được công nhận là di tích cấp quốc gia bao gồm: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ; căn cứ Trung ương cục miền Nam; địa đạo Suối Linh.

Ngoài ra, trong khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa này còn có nhiều hồ như Bà Hào, đặc biệt hồ Trị An, với diện tích đất ngập nước khoảng 32.400 ha xen lẫn một số đảo nhỏ trên hồ, là nơi lý tưởng để phát triển nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cũng như du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng.

Công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã, thực vật quý hiếm

Mặc dù sở hữu một diện tích lớn rừng đặc dụng, hệ sinh thái đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, nhưng hiện nay, KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang chịu nhiều tác động từ các hoạt động săn bắn, khai thác gỗ trái phép.

Nhóm gỗ quý như nghiến, đinh... đã bị suy giảm nhiều về số lượng, đặc biệt, những loài hiếm như thông đá số lượng chỉ còn rất ít, gỗ đinh gần như không còn.

img

Cỏ thìa châu Âu - Loài chim hoang dã có tên trong sách Đỏ Việt Nam, 2007 và danh lục Đỏ IUCN, 2009 được ghi nhận tại Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai.

Trước tình trạng đó, nhằm sử dụng bền vững tài nguyên rừng, vùng nước nội địa, ngày 21/11/2011, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 3107/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020. 

Đây là quy hoạch không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo vệ đa dạng tài nguyên thiên nhiên mà còn có giá trị về mặt nhân văn, bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử. 

Tổng vốn đầu tư là 1.055.213 triệu đồng và được chia thành nhiều hạng mục: Phát triển rừng và phục hồi sinh thái; phòng cháy và chữa cháy rừng; bảo tồn ĐDSH; nghiên cứu khoa học; quản lý, khai thác tổng hợp hồ Trị An…

Ngày 8/12/2017, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Cụ thể, tỉnh đề ra mục tiêu, đến năm 2020 bảo vệ và phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, các hệ sinh thái rừng tự nhiên, bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh, hệ sinh thái rừng tre nứa thuần loại và hỗn giao, hệ sinh thái rừng ngập mặn; quy hoạch, nâng cấp hệ thống các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ đa dạng sinh học (các vườn sưu tập cây thuốc, vườn động vật, vườn thực vật, các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã). 

Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng Khu Safari (Vườn thú hoang dã) tại KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, kết hợp giữa hoạt động bảo tồn ĐDSH và phát triển du lịch, nhằm tăng cường xã hội hóa công tác bảo tồn.

Để góp phần thực hiện Nghị quyết trên, lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu và KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã bàn giao đất cho các hộ dân 2 xã Hiếu Liêm và Mã Đà; xây dựng đề án phát triển nguồn nguyên liệu ngành tre trúc và định hướng phát triển làng nghề tại xã Phú Lý trong công tác quản lý rừng. 

Bên cạnh đó, Ban quản lý (BQL) KBT còn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra, trồng rừng và bảo vệ rừng; theo dõi các cá thể voi rừng thường xuyên xuất hiện tại xã Phú Lý; xây dựng dự án bảo tồn, bảo vệ và phát triển quần thể bò tót, bò rừng...

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu như chương trình giám sát, đánh giá một số loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, loài chỉ thị cho sinh cảnh và môi trường có sự tham gia của người dân địa phương; nghiên cứu bảo tồn quần xã thú móng guốc chẵn... 

Ngoài ra, BQL KBT còn tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập các loài cây thuốc và bài thuốc của cộng đồng dân tộc ChơRo; tiếp nhận 172 bộ hồ sơ hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai và 97 hồ sơ tại Trung tâm lưu trữ II viết về Chiến khu Đ; phát hành 1200 cuốn sách nhằm quảng bá, giới thiệu về khu bảo tồn; tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động tại các xã trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu về công tác bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, cùng nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới…

Ngoài nhiệm vụ khôi phục, bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh học hệ sinh thái của rừng cây tự nhiên bản địa, duy trì nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm của Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ, KBT thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai còn ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển du lịch. 

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh khai thác du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng và coi đó là một trong những điểm nhấn của du lịch Đồng Nai trong tương lai.

Nguyễn Thị Thu Thủy (Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng) (Tạp chí Môi trường)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem