Đánh cược trên thửa ruộng hoang chua mặn
Chúng tôi gặp chị Tâm lúc chị đang dở tay “quải” nốt thúng phân bón thúc cho ruộng lúa chua mặn kể trên. Vừa nói chuyện, chị vừa giới thiệu về ruộng lúa xanh tốt của mình. Gia đình chị cấy tất cả một mẫu ruộng, 5 sào trong số đó là ruộng chua mặn, khó làm. Nhiều người không dám nhận làm mảnh đất đó nhưng chị Tâm vẫn liều cấy thử.
Ban đầu khi nhận canh tác trên mảnh ruộng này, chị gặp khá nhiều khó khăn vì đất vốn lâu năm không được canh tác, lại thiếu nước và chua hơn những nơi khác nên việc cấy lúa quả thực như “đánh cược”, được ăn cả, ngã về không. Sau khi áp dụng những phương pháp khử chua cho đất cùng với việc chăm sóc cẩn thận, 5 sào lúa của chị Tâm vẫn phát triển tốt và cho năng suất cao không kém những mảnh ruộng “ngọt” khác (khoảng trên 2 tạ/sào/vụ, mỗi sào Bắc Bộ rộng 360m2).
Ruộng chua mặn nặng, chỉ dùng vôi là chưa đủ
Khi được hỏi về những phương pháp khử chua, chị hóm hỉnh: “Ngày xưa các cụ nhà mình vẫn dùng vôi khử chua đấy, giờ mình cũng phải học các cụ, khi mới gặt xong phải rải vôi bột ra khắp ruộng để khử chua cho đất, bơm thêm phân vi sinh để chuẩn bị đất cho vụ sau. Nhưng như thế chưa đủ, đối với những ruộng chua mặn nặng như ruộng nhà tôi thì phải có bài riêng”.
5 sào lúa xanh tốt của chị Tâm trước đây vốn là mảnh ruộng hoang. Ảnh: Hoa Ngọc
Chỉ vào ruộng lúa, chị Tâm tâm sự với chúng tôi: “Hồi mới làm kém lắm, có vụ lúa còn bị táp lá không lên được vì cháy chua. Mấy hôm nắng vừa rồi, cả ruộng cũng bị táp nên phải bón thúc bằng lân đơn mới lại được”. Khi được hỏi tại sao lại chọn phân lân đơn supe Lâm Thao, chị Tâm thẳng thắn: “Dùng phân này dù hơi vất vả hơn phân lân tổng hợp (vì phải trộn thêm đạm và kali để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho lúa) nhưng lại rất tốt và thích hợp cho những ruộng chua. Hiệu quả cũng rất cao và rõ rệt, không những làm sạch chua đất, cứng cây lúa mà còn giữ ấm rất tốt vào lúc thời tiết lạnh”.
Nói về ưu điểm giữ ấm của phân lân đơn supe Lâm Thao, chị Tâm cho biết: “Ở chỗ chúng tôi chủ yếu trồng lúa bằng cách gieo sạ, nên lúc gieo mạ là cực kỳ quan trọng. Thời điểm gieo mạ thường vào cuối đông, đầu xuân, trời vẫn còn rét nên phải dùng phân lân đơn này bón lót để giữ ấm cho mạ lên. Loại phân này giúp ích nhiều cho cây mạ lúc đó lắm, mạ lên đều, ít bị chết và cũng khỏe hơn nữa”.
Ngoài phân lân đơn bón cho ruộng chua, chị Tâm còn dùng phân hỗn hợp NPK cho những ruộng khác vì “hiệu quả cũng cao mà giá cả thì phải chăng, thậm chí, nếu biết cân đối lượng phân bón hợp lý, có thể còn rẻ hơn các loại phân khác một chút”. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm nông, chị Tâm nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi: “Thật ra, làm nông được hay mất phụ thuộc một phần vào thời tiết, trời cho thì được, trời không cho thì mất. Nhưng việc được nhiều hay ít thì lại phụ thuộc vào chính cách trồng và chăm bón của nông dân nữa. Cây lúa hay bất kỳ cây nào khác cũng cần được chăm sóc đúng cách. Muốn đạt năng suất tối đa thì phải cung cấp cho cây trồng đủ nước và phân bón. Tôi luôn bón phân đủ 3 lượt trong mỗi vụ và đủ lượng phân trong mỗi lượt bón để lúa không bao giờ bị thiếu chất”.
Cửa hàng phân bón: “Lấy hàng giả là tự giết mình”
Trước câu hỏi về việc có lo ngại về khả năng gặp phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng hay không, và nếu có chị sẽ xử lý ra sao? Chị Tâm cười: “Tôi chỉ lấy phân bón ở những cửa hàng có uy tín lâu năm trong vùng, họ đều là người quen cả nên không bao giờ lo mua phải hàng giả, hàng nhái. Phân bón là một trong những thứ quan trọng hàng đầu với nông dân, làm sao mà tôi lơ là việc này được. Cả năm có hai vụ, nếu một vụ lấy phải phân giả kém chất lượng thì dân chết đói mất”.
Tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi tìm gặp ông Trần Xuân Sửa (chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tại thôn Thượng Cầm, xã Vũ Lạc, TP.Thái Bình) và được biết, có rất nhiều loại phân bón trôi nổi của những lái buôn nhỏ chở đến cửa hàng của ông Sửa, nhưng ông đều từ chối. “Giá của những bao phân đó rẻ hơn rất nhiều so với phân Lâm Thao chính hãng, nếu lấy phân từ những nguồn đó bán lại cho dân với mức giá như bình thường sẽ thu được lợi nhuận rất cao. Nhưng mình làm ăn buôn bán lâu dài, bán hàng đó cho bà con dễ mất hết uy tín, khi bà con dùng phân bón mua ở nhà mình mà không hiệu quả họ sẽ quay lưng với mình ngay. Nhà tôi cũng làm nông nên tôi hiểu được nỗi khổ của người nông dân khi mất mùa. Vì vậy dù lợi nhuận có cao đến đâu, tôi cũng kiên quyết không bao giờ lấy hàng giả. Lấy hàng giả chính là tự giết mình” - ông Sửa chia sẻ.
Vì phân bón làm nhái, làm giả rất tinh vi, nông dân nhìn bằng mắt thường khó mà phân biệt được hàng thật với hàng giả, nên theo ông Sửa, cách tốt nhất để tránh hàng giả là phải đảm bảo khép kín mạng lưới phân phối sản phẩm từ nhà máy đến người nông dân. Người nông dân khi lựa chọn phân bón nên đến các cửa hàng, đại lý chính thức có uy tín để mua được phân bón chuẩn và được tư vấn cách bón, hàm lượng, thời gian bón hợp lý, hiệu quả.
Đầu tư chiều sâu để phục vụ nông dân
Phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại hợp tác “4 nhà” (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước) tổ chức mới đây tại hội trường Trung tâm Văn hóa huyện Hoài Đức (Hà Nội), ông Văn Khắc Minh – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư đầu vào đóng vai trò quan trọng quyết định tới năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Ông Văn Khắc Minh chia sẻ: “Nhận thấy nông dân trong tỉnh còn thiếu nhiều kiến thức và gặp nhiều khó khăn về vốn, trong những năm vừa qua, công ty đã kết hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân (Hội Nông dân thành phố Hà Nội) tổ chức cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân, triển khai nhiều chương trình thiết thực giúp bà con nông dân trong tỉnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như tổ chức hàng trăm hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao cho hàng vạn nông dân. Công ty đã xây dựng các mô hình trình diễn phân bón NPK-S Lâm Thao theo quy trình phân bón khép kín cho các loại cây trồng ở các huyện, thành phố. Kết quả các mô hình đều cho năng suất tăng từ 10-20% so với phương pháp bón thông thường ở địa phương, hạn chế sâu bệnh hại, giảm phun thuốc trừ sâu, cách bón phân đơn giản, dể áp dụng”.
Ông Minh cũng khẳng định: “Công ty sẽ tiếp tục đầu tư chiều sâu, sản xuất các loại phân bón có chất lượng tốt phục vụ bà con nông dân thành phố Hà Nội, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc kết hợp với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp để tổ chức các hội nghị, xây dựng các mô hình trình diễn bón phân cho các loại cây trồng, cung cấp đầy đủ, kịp thời, đúng chủng loại, giá cả, nâng cao chất lượng các loại phân bón nhằm góp phần vào sự phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng phát triển bền vững”.
Nghiêm Liên
“Bài riêng” của chị Lê Thị Tâm là bón phân lân đơn supe Lâm Thao kết hợp đạm và kali với tỷ lệ 10kg đạm-10kg kaly-20kg lân đơn trên 1 sào ruộng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.