Tung hê cho hả
Năm 2007, Tùng (*) cưới Thắm, một nữ sinh vừa tốt nghiệp trung học.
Trẻ người non dạ, Thắm mang thai khi hai bên gia đình còn chưa kịp “giáp
mặt” nhau. Làm mẹ ở tuổi 19, tất nhiên Thắm đã không thể chu toàn phận
sự dâu con. Nhiều lần bị mẹ chồng, em chồng nói ra nói vào, cô ôm con bỏ
về nhà mẹ ruột. Tùng thương vợ nhưng cũng ở tuổi… ham chơi như vợ nên
không biết xoay xở cách nào để hòa giải.
Vợ con đi hết rồi, Tùng đâm ra
rảnh rỗi, thường xuyên ăn nhậu, lâu lâu mới ghé qua nhà vợ thăm con và
ngủ lại. Kết quả, họ lại có đứa con thứ hai. Thắm cũng giao con cho mẹ
chăm sóc, đi chơi thâu đêm, rồi mượn facebook giải khuây.
Mẹ chồng Thắm
thấy vậy giành cháu lớn về nhà mình chăm sóc, không cho Thắm thăm con.
Những lúc nhớ con, Thắm chạy về nhà chồng đòi con, lại cãi nhau với mẹ
chồng. Vừa cãi xong, Thắm tung ngay lời bình lên mạng: “Trước giờ cứ
nghĩ chỉ có chó biết sủa, người thì biết nói, nhưng ôi, thì ra người vẫn
biết sủa”.
Tùng không biết mạng miếc là gì nhưng tá hỏa khi được người bạn cho
xem nhật ký mạng của vợ, thấy những hình ảnh Thắm đi bar cùng bạn bè lúc
giữa đêm, khi đứa con thứ hai chưa được ba tháng tuổi. Thay vì tìm gặp
vợ để trao đổi, Tùng lại tập vào net, lập một địa chỉ facebook khác công
kích Thắm: “Đồ không đáng mặt làm vợ, làm mẹ”.
Giận chồng, Thắm càng
chửi mắng gia đình chồng nhiều hơn...
Tháng
6.2013, đứa bé mới vừa tròn 12 tháng tuổi, thời điểm được cho phép ly
hôn, cả hai lôi nhau ra tòa. Tùng trưng bằng cớ là hình ảnh ăn chơi và
các câu status xúc phạm chồng và gia đình chồng của Thắm trên facebook,
cho rằng Thắm không đủ tư cách nuôi con. Thắm cũng không chịu thua,
trưng ra bằng chứng từ facebook chuyện Tùng bỏ vợ con đi bồ bịch, nhậu
nhẹt, rồi "dứt điểm": anh không có tư cách làm cha. Bên tám lạng, người
nửa cân trong cuộc chiến giành con đó, cả hai chẳng ai nghĩ mình có lỗi.
Xử "người xưa" bằng Facebook
Trong thời gian chờ giám đốc thẩm vụ án ly hôn và giành quyền nuôi
con, chị Thi ở Q.9 đã tranh thủ tố cáo chồng cũ là anh Long đã bắt cóc
mang giấu con gái, cách ly con khỏi mẹ trên facebook cá nhân. Cùng là
người có học vấn cao và khả năng tài chính, trong suốt hai năm qua, đôi
vợ chồng cũ này đã đưa nhau “lên bờ xuống ruộng” khắp các mặt báo trung
ương và địa phương, nên chuyện chị Thi tạo facebook kể tội anh Long là
điều không bất ngờ với những người quen biết của hai vợ chồng.
Nhưng, dư
luận thật sự xôn xao vào khoảng cuối tháng 2.2013, khi chị Thi nêu nghi
vấn anh Long có khả năng đã xâm hại con gái, làm cho cháu bé gần như bị
rối loạn tâm thần. Chị viết: “Thật kinh sợ, ngay từ ngày chung sống, có
lần con gái hoảng hốt nói ba hôn chỗ đó của con. Hắn ta là một con quỷ
đội lốt người đã biến con gái mới chín tuổi thành đàn bà…”. “Thương xót
cho con gái của mẹ, mẹ biết làm cách nào để cứu con, để vạch trần tội ác
của người cha vô luân, đồi bại ấy đây?”…
Chị Thi cũng đồng thời đã tố giác hành vi này của anh Long với cơ
quan cảnh sát điều tra. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, vì sao chuyện
tày trời như vậy mà chị để đến ba năm (như lời chị trên facebook) mới tố
giác? Anh Long thì hoàn toàn im lặng nên sau vài tháng, chủ nhân trang
nhật ký đã tháo bỏ các bài viết liên quan đến việc tố cáo chồng.
Vụ việc này tương tự vụ giành con khá đình đám cách đây vài tháng ở
Tòa án Hà Nội. Khi đại gia tập đoàn Bảo Sơn ly hôn, một trang web mang
tên luatsuvidan đã ra đời với hàng loạt bài báo bôi xấu danh dự, nhân
phẩm của bà T., vợ ông M. Trang web tập hợp 24 bài viết từ các báo, 52
bài “tư liệu” và 47 “thông tin” cùng vô số videoclip công kích gia đình
bà T., rằng bà đã: ngăn cản ông M. gặp gỡ chăm sóc con chung; giam giữ
hai con không cho đi học; chạy án và bị bắt gặp có quan hệ ngoài hôn
nhân.
Trang mạng này còn miêu tả ông M. với hình ảnh khá “thảm hại”: đau
buồn vì thương nhớ con; bị đánh chỉ vì muốn nhìn được mặt con… Cuối
cùng, an ninh mạng xác định kẻ đứng sau trang mạng này chính là người
chồng đại gia, đương sự của vụ ly hôn. Ngay sau đó, bà T. đã tố cáo hành
vi làm nhục của ông M. với tòa án.
Theo luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật
sư TP.HCM: “Không tiền bạc hay thế lực nào xóa được dấu vết của sự
thật. Khi bạn dùng công nghệ thông tin hay bất cứ phương tiện gì bôi
nhọ, xúc phạm danh dự, phẩm giá của người khác, chắc chắn bạn phải trả
giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình, vì đó là tội làm nhục người
khác”.
(*) Tên nhân vật trong bài đã thay đổi
Báo Phụ nữ (Theo Báo Phụ nữ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.