Khung hình phạt cho các đối tượng mua bán giấy tờ giả

Phi Long Thứ bảy, ngày 11/05/2024 21:08 PM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này dưới góc độ pháp lý này.
Bình luận 0

Ngày 9/5, Công an thành phố Hà Nội cho biết, điều tra mở rộng đường dây mua bán, làm giả và sử dụng giấy tờ giả liên quan đến nhiều nhân viên, cộng tác viên ngân hàng, do Nguyễn Hữu Hoàng (nhân viên một ngân hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội) cầm đầu, Công an quận Đống Đa đã khởi tố thêm 4 đối tượng liên quan.

Các đối tượng gồm: Trần Quốc Hiếu (SN 1988, trú tại: Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) và Lê Mai Giang (SN 1988, trú tại Chi Lăng, Lạng Sơn) về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Bùi Tấn Hoàng (SN 1999; trú tại: An Thịnh, Văn Yên, Yên Bái) và Mai Văn Khánh (SN 1992, trú tại: Quy Kỳ, Định Hóa, Thái Nguyên) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Khung hình phạt cho các đối tượng mua bán giấy tờ giả - Ảnh 1.

Nhóm đối tượng bị cơ quan công an khởi tố

Theo tài liệu điều tra, Trần Quốc Hiếu đã liên hệ đặt mua sao kê và hợp đồng lao động giả của Nguyễn Hữu Hoàng nhằm mục đích mở thẻ tín dụng cho khách hàng.

Hiếu đã mua với giá 2 triệu đồng/một tờ sao kê và 500.000 đồng/một tờ hợp đồng lao động.

Tổng số tiền Hiếu mua giấy tờ giả là 15 triệu đồng. Sau khi đặt mua giấy tờ giả, Hiếu đã mở thành công 5 thẻ tín dụng ở ngân hàng LPBank, hưởng lợi số tiền 107 triệu đồng.

Đối với Bùi Tấn Hoàng và Mai Văn Khánh là khách hàng được Hiếu hỗ trợ mua giúp giấy tờ để "làm tròn" hồ sơ.

Hiếu đã mở thành công cho Hoàng một thẻ tín dụng 80 triệu đồng, còn Khánh nhận được một thẻ tín dụng 80 triệu đồng.

Sau khi sử dụng giấy tờ giả để mở thành công hai thẻ tín dụng, các đối tượng này đã sử dụng hết tiền, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, không thực hiện trả lãi và gốc theo quy định.

Còn Lê Mai Giang đã mua giấy tờ giả của Nguyễn Hữu Hoàng và sử dụng để đăng ký vay tín chấp mở 12 thẻ tín dụng đứng tên 8 trường hợp với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Giang chỉ thông báo với khách hàng 1/2 số tiền trong các khoản tín dụng đã mở thành công, số còn lại Giang chiếm đoạt, tức khoảng gần 800 triệu đồng.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, căn cứ Điều 314 BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

Có tổ chức;

Phạm tội 02 lần trở lên;

Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng"

Như vậy, đối với hành vi Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức hoặc Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị phạt tù lên đến 02 năm. Nếu làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 02 Điều 341 BLHS và phải chịu hình phạt lên đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Trường hợp Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức hoặc Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội: Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức hoặc Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Với khung hình phạt cao nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem