Khương Duy khi về già (trong phim)
Khi Hậu chủ Lưu Thiện đầu hàng, Thục Hán diệt vong, Khương Duy đầu hàng Chung Hội với ý đồ lợi dụng Chung Hội để phục quốc nhưng thất bại, bị chết trong đám loạn quân khi 62 tuổi. Đánh giá về Khương Duy, rất nhiều sử gia cho rằng Thục Hán mất bởi tay ông nguyên nhân chính là do Gia Cát Lượng đã phạm sai lầm lớn trong chọn người kế nghiệp, vì Khương Duy chẳng có bản lĩnh gì xuất sắc ngoài chút tài về quân sự. Đâu là sự thật về Khương Duy? Liệu ông có phải chịu trách nhiệm về sự diệt vong của Thục Hán?
Có tài năng chính trị nhưng… không gặp thời
Tài năng chính trị là điều gây tranh cãi nhiều nhất. Nhiều người cho rằng Khương Duy rất kém về mặt chính trị, không biết nội chính, bất lực trước sự hoành hành của đám gian thần như Hoàng Hạo. Nghe thì có vẻ có lý, nhưng thực ra rất vô lý. Khương Duy thân phận là một hàng tướng, một bước lên đỉnh cao quyền lực ở trên các tướng Thục, quan lộ hanh thông như thế, nếu không có tài năng liệu có ổn không? Quan trường nước Thục thì rất hỗn loạn, trong thực tế, ngoài hoạn quan Hoàng Hạo, Khương Duy còn phải đối phó với cả Tưởng Uyển, Phí Vĩ và Gia Cát Chiêm, con trai thầy mình bởi sự đố kỵ, ghen ghét.
Khương Duy thực ra chỉ là người “múa gậy trong bị”, tình thế Thục Hán lúc bấy giờ đến Gia Cát Lượng cũng không thể xoay chuyển được, các cuộc đấu đá nội bộ diễn ra liên miên. Cần phải biết, số phận của hàng thần đến như Mã Siêu công trạng với Thục Hán lớn như thế rồi cũng phải về quê, chết trong u uất. Để tránh bị nghi ngờ, Khương Duy không thể can dự triều chính, Lưu Thiện lại là hôn quân, gần đám tiểu nhân, xa lánh hiền thần, không chịu nghe trung ngôn, dẫn đến Thục Hán ngày càng suy yếu. Lũ gian thần như Hoàng Hạo đứng sau khống chế Lưu Thiện, trừ phi bị phế bỏ, chẳng ai phù trợ được ông vua như thế. Vì vậy không nên đổ mọi trách nhiệm cho Khương Duy trong sự suy vong của Thục Hán.
Gia Cát Lượng và Khương Duy trên màn ảnh
Về sức hút nhân cách, Khương Duy nổi tiếng là người con có hiếu, cha làm quan ở Thiên Thủy, bị chết trận, Khương Duy sống cùng mẹ thường kết giao với một số hào kiệt, trong lòng nuôi chí lớn. “Tam Quốc chí. Khương Duy truyện” ghi: Từ nhỏ Duy đã đọc sách của Hán đại nho gia Trịnh Huyền nên chịu ảnh hưởng sâu sắc. Đó có lẽ là căn nguyên khiến ông “muốn lập công danh, tâm tồn Hán thất” và luôn nung nấu tư tưởng phục hưng nhà Hán, khôi phục Trung Nguyên sau này.
Lúc đầu làm quan Trung lang của Tào Ngụy; năm 228 giữ Thiên Thủy cùng Thái thú Mã Tuân, khi quân Thục Hán kéo đến, nhiều người muốn theo Hán, Mã Tuân nghi Khương Duy thay lòng đổi dạ nên bỏ trốn. Khương Duy đang dẫn quân ở ngoài hay tin quay về thì cổng thành đã đóng, chạy sang Dực Thành cũng bị từ chối, trong tình thế nguy nan buộc phải hàng Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng hàng phục được Khương Duy rất mừng, muốn dùng ông để đánh Tào Ngụy nên đề nghị gia phong ngay làm Phụng Nghĩa tướng quân, Đương dương đình hầu khi đó Khương Duy mới 27 tuổi.
Trung thành với nhà Hán
“Khương Duy truyện” chép: Gia Cát Lượng nói với Trưởng sử Trương Duệ, Tham quân Tưởng Uyển: “Khương Bá Ước trung thành, chăm chỉ, suy nghĩ thấu đáo, Lý Thiệu, Mã Lương cũng không sánh được, quả là kẻ sĩ đất Lương Châu”. Lại khen “Khương Bá Ước có kiến thức về quân sự, lại gan dạ, hiểu đạo lý, được lòng binh sĩ. Người này có lòng với Hán thất, tài cán hơn người. Trước tiên để hắn huấn luyện 5, 6 ngàn quân tinh nhuệ, giao việc quân sự cho hắn, rồi dẫn về cung diện kiến Thiên tử”. Từ đó có thể thấy, Khổng Minh sau khi quan sát xem xét kỹ Khương Duy, nhận thấy ông tài trí hơn người nên mới trọng dụng. “Khương Duy truyện” có chép lại việc sau khi đầu hàng, Gia Cát Lượng đã cùng ông đàm đạo suốt một đêm, gặp được người tài, mừng rỡ, đem lòng yêu mến, nhận làm học trò, truyền dạy binh thư…
Năm 234, sau khi Gia Cát Lượng chết ở Ngũ Trượng Nguyên ở tuổi 54; Khương Duy khi đó 32 tuổi biết nếu tin tức lan ra, không những lòng quân rối loạn mà Tư Mã Ý cũng sẽ lập tức tiến công, bèn ra lệnh giữ kín tin buồn, không phát tang, lặng lẽ rút quân. Nhưng “giấy không bọc được than”, tin đến tai Tư Mã Ý, từng đương đầu với Gia Cát Lượng lâu năm nên Ý mừng rỡ lập tức tiến công. Khương Duy điều chỉnh đội hình, giương cờ hiệu của Gia Cát Lượng, thúc trống, lập trận thế nghênh tiếp. Tư Mã Ý vốn đa nghi, thấy trận thế quân Thục chỉnh tề nên sợ tin Gia Cát Lượng chết chỉ là cái bẫy nên vội vã lui quân; còn Khương Duy bình tĩnh đưa di hài của thầy cùng đại quân triệt thoái về Thục an toàn.
Sau khi về Thành Đô, làm Hữu giám quân, Phụ Hán tướng quân, thống lĩnh chư quân, được phong Bình Tương hầu. Năm 238, theo Đại tướng quân Tưởng Uyển (người kế thừa Gia Cát Lượng) đến Hán Trung. Ít lâu sau, Tưởng Uyển được thăng Đại Tư mã, bèn giao Khương Duy làm Tư mã, nhiều lần mang quân vào miền Tây. Năm 234, Khương Duy được thăng làm Trấn Tây Đại tướng quân, lĩnh Thích sử Lương Châu. Năm 247, thăng làm Vệ Tướng quân, ngang quyền với Đại Tướng quân Phí Vĩ. Năm đó, quân Man Bình Khang ở Vấn Sơn phản loạn. Khương Duy đem quân bình định. Sau đó dẫn quân ra Lũng Tây, Nam An, Kim Thành giao chiến với các tướng Ngụy Quách Hoài, Hạ Hầu Bá. Năm 249, Lưu Thiện chấp thuận biểu tấu của Khương Duy, giao ông bình định miền Tây nhưng đều chưa thắng lợi lớn đã phải triệt thoái. Mỗi lần Khương Duy muốn xuất đại quân, Phí Vĩ đều không nghe, chỉ cấp cho ông khoảng 10 ngàn nên không thể tạo được bước ngoặt trên chiến trường.
Ảnh mộ Khương Duy
Năm 253, Phí Vĩ bị hàng tướng Quách Tu đâm chết, Khương Duy bắt đầu nắm giữ quân quyền, tiếp tục đem quân Bắc phạt Tào Ngụy, nhiều lần giao chiến với các tướng Đặng Ngải, Trần Thái, Quách Hoài. Khương Duy Bắc phạt tổng cộng 11 lần thì có 2 lần đại thắng, 3 lần tiểu thắng, 4 lần cầm cự, 1 lần đại bại, 1 lần tiểu bại. Về sau do các đại thần Thục Hán nhiều lần phản đối ông Bắc phạt, hoạn quan Hoàng Hạo lộng quyền, Khương Duy muốn giết Hạo mà không xong đành phải về Đạp Trung lập đồn điền để tránh họa. Về sau Tư Mã Chiêu chia 5 đường phạt Thục, Khương Duy trấn thủ Kiếm Các, ngăn chặn đại quân Chung Hội, nhưng Đặng Ngải lẻn qua Âm Bình tập kích Thành Đô, giết chết Gia Cát Chiêm; Lưu Thiện đầu hàng và ra lệnh Khương Duy đầu hàng. Quân sĩ của Khương Duy ai nấy đều rút kiếm chém đá bày tỏ căm tức nhưng không làm gì được, Khương Duy bèn dẫn quân hàng Chung Hội. Chung Hội hỏi Khương Duy: “Sao ông đến muộn vậy?” Duy khóc: “Như thế này là quá nhanh chứ không phải chậm!” Hội kinh ngạc, rất trọng thị Khương Duy, cho ông tiếp tục thống lĩnh quân đội của mình.
Người tính không bằng trời tính
Sau khi hàng, Khương Duy biết Chung Hội có ý mưu phản nên khuyên Hội tìm cách giết các tướng Ngụy. Chung Hội một mặt vu cáo hãm hại Đặng Ngải khiến Tư Mã Chiêu cho người đến bắt Ngải; mặt khác, Chung Hội về Thành Đô, lĩnh Ích Châu mục chuẩn bị khởi binh tạo phản. Chung Hội định cho Khương Duy dẫn 5 vạn quân làm tiên phong đi đánh Tư Mã Chiêu; còn Khương Duy thì định mượn tay Chung Hội giết hết các tướng Ngụy rồi quay lại giết Hội, phục hưng Thục Hán.
Khương Duy là một hàng tướng mà ly gián được hai đại tướng hàng đầu của Ngụy, kích động được Chung Hội làm phản để tương kế tưu kế, hẳn phải là người có sức thu hút ghê gớm thế nào mới khiến Chung Hội quyết định triệt để phản Ngụy, đồng ý tái lập Lưu Thiện làm hoàng đế, dựng lại ngọn cờ Thục Hán để chống Ngụy. Khương Duy khi đó đã tràn trề hy vọng phục quốc nên viết mật thư gửi Lưu Thiện “mong bệ hạ gắng chịu nhục mấy ngày, thần sẽ khiến xã tắc nguy chuyển thành an, nhật nguyệt mờ rồi lại sáng”.
Đền thờ Khương Duy
Tiếc rằng tin tức về âm mưu phản loạn của Chung Hội bị tiết lộ, Tư Mã Chiêu điều ngay 1 vạn kỵ binh vào Thục, Khương Duy và Chung Hội quyết định đi nước cờ hiểm: Bắt giam tất cả các tướng Ngụy lại, ngụy tạo di chiếu của Thái hậu và dâng biểu phế chức Tư Mã Chiêu; nhưng Chung Hội trù trừ, nể tình không nỡ giết đám tướng Ngụy, khiến họ có cơ hội nổi dậy khiến cả Chung Hội, Khương Duy và tướng Thục Trương Dực đều bị sát hại. Các tướng Ngụy rất phẫn nộ trước kế sách của Khương Duy, sau khi giết ông, họ còn mổ phanh thây thì thấy mật ông to như cái đấu.
“Khương Duy tử, Hán vong” (Khương Duy chết, nhà Hán mất). Sử tịch chép như thế, nhưng nhìn lại cục diện lúc đó, liệu Khương Duy có làm được gì khác? Những người đời sau chỉ biết luyến tiếc “Âu cũng là vận nhà Hán đến đó là hết.
PV (Pháp luật Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.