Khuyến khích "hiệp sĩ": Có đẩy trách nhiệm bắt trộm cướp cho dân?

Luật sư Trần Tuấn Anh Thứ tư, ngày 16/05/2018 13:03 PM (GMT+7)
“Ở thành phố phát triển nhất cả nước, tại sao đi bắt hàng rong, dẹp vỉa hè ra quân rầm rộ thế mà cướp ngoài đường lại vắng bóng công an” – luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đặt câu hỏi.
Bình luận 0

Theo tôi, công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn thể công dân. Tuy nhiên đấu tranh theo cách nào, như thế nào lại là câu chuyện cơ quan chức năng phải tính.

Ở đây, đứng dưới góc độ là người dân, tôi rất hoan nghênh câu chuyện có những người sẵn sàng vì yên bình chung của xã hội mà đứng ra hy sinh thân mình – như các hiệp sĩ đường phố.

Nhưng đứng dưới góc độ của một người biết luật, biết nghiệp vụ, tôi thấy mô hình này không ổn, không nên khuyến khích nhân rộng bởi rất nguy hiểm.

img

"Hiệp sĩ" Lâm Hiếu Long trong một lần bắt "nóng" cướp giật trên phố. Ảnh: Dân Trí

Tính mạng con người đều phải được trân trọng mặc dù người đó có thể là tội phạm. Trong khi những người là hiệp sĩ không được đào tạo nghiệp vụ. Trấn áp tội phạm đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, trong đó có những kỹ năng cơ bản là nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và cho cả tội phạm.

Bên cạnh đó, thân thể con người là bất khả xâm phạm, con người chưa bị coi là tội phạm khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án.

Chẳng hạn, có khi các hiệp sĩ theo cảm quan cho rằng đó là các hành vi phạm tội nhưng thực tế không phải như vậy. Khi đã trấn áp rồi, hậu quả pháp lý sẽ do chính các hiệp sĩ gánh chịu.

Ví dụ khi thấy một đối tượng có biểu hiện phạm tội, có thể nhảy vào ngay để trấn áp, để đánh… Nhưng nếu trong trường hợp người ta không chứng minh được là tội phạm sẽ xử lý như thế nào? Các hiệp sĩ sẽ phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý.

Chính vì vậy, quan điểm của tôi là không khuyến khích, việc trấn áp tội phạm là việc của Nhà nước , của công an, của các lực lượng an ninh khác. Thay vì thành lập những tổ hiệp sĩ tự phát, những người tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm có thể tham gia lực lượng tự quản, lực lượng công an phường, lực lượng tự quản của tổ dân phố, dân phòng… để được trang bị và được pháp luật bảo hộ.

Tôi thấy rằng ở TP HCM và Bình Dương, cơ quan chức năng khuyến khích các tổ hiệp sĩ nhưng lại không đưa ra được một quy định pháp luật nào để bảo vệ. Vậy vô hình chung cơ quan chức năng đang xúi người ta đi làm một việc mà pháp luật không thừa nhận và nguy hiểm cho chính tính mạng của các hiệp sĩ.

Rõ ràng nhìn nhận một cách khách quan, đảm bảo an ninh trật tự, điều tra, truy bắt tội phạm là trách nhiệm của Nhà nước.

Việc hai hiệp sĩ bị chết chỉ là một sự vụ, nhưng qua việc này có thể thấy rõ ràng là TPHCM đang bất lực trước nạn cướp giật.

Vậy thay vì khuyến khích các hiệp sĩ đi theo phong trào  tự phát và không được pháp luật thừa nhận, tại sao địa phương này không thành lập những tổ nghiệp vụ chuyên săn bắt cướp hay mô hình tổ 141 như ngoài Hà Nội?

Việc xúi người dân làm thay cơ quan pháp luật trong khi không đề ra được một quy định, hành lang pháp lý cho người ta hoạt động vô hình chung cơ quan chức năng ở TPHCM đang thoái thác trách nhiệm, đẩy trách nhiệm sang cho người dân.

Tôi băn khoăn với câu hỏi ở thành phố phát triển nhất cả nước: “Tại sao đi bắt hàng rong, dẹp vỉa hè ra quân rầm rộ, liên tục thế mà cướp ngoài đường lại vắng bóng công an?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem