Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Nông dân Nghệ An mong muốn tăng thời gian thuê đất nông nghiệp để đầu tư công nghệ cao
Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Nông dân Nghệ An mong muốn tăng thời gian thuê đất nông nghiệp để đầu tư công nghệ cao
Đức Thịnh
Thứ sáu, ngày 08/11/2024 06:18 AM (GMT+7)
Gửi ý kiến, kiến nghị đến Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói, hội viên, nông dân ở Nghệ An bày tỏ mong muốn được kéo dài, gia hạn thời gian cho thuê đất kịp thời để yên tâm đầu tư sản xuất, nhất là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp chuyển đổi nghề
Bà Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An cho biết: Trong thời gian qua, một lượng lớn diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích để phục vụ xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, dự án trọng điểm, cụm công nghiệp vừa và nhỏ hoặc phát triển các khu đô thị tập trung.
Từ đó, một số người dân không còn đất để sản xuất nông nghiệp, mất nghề đã làm ảnh hưởng lớn tới đời sống hàng ngày của người nông dân.
Không ít nông dân đã phải đổ về các đô thị tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, do không có nghề nghiệp, họ phải đi làm thuê theo thời vụ nên cuộc sống rất bấp bênh.
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đô Lương mong muốn Chính phủ, các bộ ban ngành liên quan tăng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất để thực hiện các dự án; có giải pháp thiết thực hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề cho các hộ nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, nhất là những lao động trên 45 tuổi.
"Vì các nhà máy, công ty chỉ tuyển dụng lao động trẻ dưới 35, 40 tuổi trên 45 tuổi rất khó xin việc"- bà Hiền nói.
Đề xuất tăng thời cho thuê đất nông nghiệp để đầu tư công nghệ cao
Là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Nguyễn Cường, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bày tỏ: Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành luôn động viên, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Nhưng cái khó của nhiều nông dân là bị vướng vào các bất cập trong vấn đề đất đai.
"Đơn cử như gia đình tôi có 6 ha nuôi trồng thủy hải sản (nuôi tôm) thuộc diện nhà nước cho thuê đất với thời hạn 20 năm thì làm sao dám đầu tư lâu dài bằng các thiết bị, công nghệ mới. Thêm vào đó, đến nay quá hạn thuê đất rồi, nhưng gia đình tôi vẫn chưa làm được thủ tục gia hạn cho thuê đất. Đây là tình trạng không chỉ gia đình tôi mà còn của nhiều nông dân sản xuất quy mô lớn ở cùng địa phương"- ông Cường nói.
Gia đình ông Nguyễn Cường cũng đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, xây dựng hệ thống nhà nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích đất này. Nhưng đến nay, ông Cường rất bất an khi diện tích đất nuôi trồng thủy hải sản của gia đình vẫn chưa được gia hạn để yên tâm sản xuất.
"Tôi rất mong, đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ngành nông nghiệp và địa phương quan tâm, có tiếng nói, có tác động giúp chúng tôi. Khi đất đai đã ổn định thủ tục pháp lý thì người dân mới an tâm đầu tư sản xuất. Nếu đất đai chưa ổn định, người dân còn lo lắng, bất an thì không thể yên tâm để đầu tư sản xuất", ông Nguyễn Cường cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Duy Tĩnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương chia sẻ: Hiện nay, các HTX, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác theo hình thức thuê lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, đất do UBND cấp xã quản lý với thời hạn từ 05 năm trở lên để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có quy mô tối thiểu 3 ha liền vùng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại gặp khó khăn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vì thời gian cho thuê ngắn. Trên đất được thuê không được xây dựng công trình kiên cố như nhà để thức ăn chăn nuôi, bảo vệ phòng chống mưa bão...
Ông Tĩnh đề nghị Chính phủ, ngành chức năng nghiên cứu bổ sung, sửa đổi thời gian cho thuê đất dài hơn để các tập thể, cá nhân, người dẫn đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.