Kiểm lâm "hóa" lâm tặc: Không hề là cá biệt

Thứ năm, ngày 29/12/2011 19:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lực lượng kiểm lâm, dù quan trọng và trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, "chỉ là một bộ phận" trong số rất nhiều ngành chức năng tham gia vào chuỗi lưu thông của gỗ lậu...
Bình luận 0

Cách đây 3 tuần, vụ lật xe gỗ ở Nghệ An khiến 10 "phu gỗ" chết thảm, đã phơi bày một sự thật: Không còn dừng ở mức độ bảo kê nữa, chính các kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Huống đóng vai trò lâm tặc khi ăn cắp gỗ từ khu bảo tồn thiên nhiên mà họ được giao bảo vệ.

Cách đây 2 tuần, cơ quan chức năng phát hiện vụ vận chuyển (trên 15 toa tàu), 400m3 gỗ quý hiếm. Hầu hết thuộc loại gỗ "nhóm I" như hương, trắc, gụ.

Cây gỗ không phải là cây kim. Nhưng tại sao 400m3 xếp kín trong 15 toa tàu, chạy rầm rầm trên đường từ Bình Định mà đến Hà Nội mới bị phát hiện?

Thiếu trách nhiệm có vẻ vẫn là câu trả lời quá lạc quan. Nhưng sự nghiêm trọng không phải chỉ từ những vụ buôn lậu với số lượng và giá trị kỷ lục. Sự nguy hiểm là ở chỗ người bảo vệ trở thành kẻ bảo kê, hoặc tệ hơn, đóng luôn vai trò "tàn sát". Quãng đường hàng ngàn km mà 400m3 gỗ lậu đã đi qua, cũng chưa phải là kỷ lục về sự tồi tệ. Hôm 27.12, những nghiên cứu của Forest, một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận còn đưa ra một con số, một kỷ lục kinh hoàng hơn: Có tới 23 cán bộ của đủ các "cơ quan chức năng" khác nhau tham gia vào chuỗi đường đi của gỗ lậu.

Trưởng thôn có. Chủ tịch UBND có. Công an xã có. Kiểm lâm địa bàn, tất nhiên. Đến cấp huyện, có kiểm lâm, có công an kinh tế, có thuế, có cảnh sát giao thông. Và "cơ cấu" này được lặp lại nguyên xi ở cấp tỉnh. Thậm chí, Cả cảnh sát phản ứng nhanh 113 cũng tham gia "ăn chia". Tỷ lệ ăn chia được nghiên cứu này đưa ra là 39% trên tổng giá trị khai thác trái phép, buôn lậu.

Con số 23 đang thể hiện một sự thật là ở nhiều địa phương, từ chính quyền đến "cơ quan chức năng", trong đó có chính lực lượng được giao trách nhiệm bảo vệ rừng đã bị vô hiệu hóa, thậm chí gián tiếp tham gia vào việc phá rừng, qua việc trực tiếp bảo kê cho đường đi của một cây gỗ lậu.

Những con số thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho biết: Tính từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã phát hiện 3.145 vụ phá rừng với diện tích 1.968 ha, tăng 257 ha (15%) so với cùng kỳ năm 2010. 23 cán bộ của đủ các ban, ngành tham gia ăn chia quanh một khúc gỗ lậu có vẻ là câu trả lời thỏa đáng nhất về tình trạng phá rừng chưa bao giờ thôi nghiêm trọng.

Nhưng rút cục thì ai là người có nhiệm vụ bảo vệ rừng? Kiểm lâm, tất nhiên. Ngày 15.12, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát đã có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành trong cả nước tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Bộ trưởng yêu cầu phải kiên quyết loại những cán bộ, công chức kiểm lâm biến chất khỏi lực lượng...

Nhưng kiểm lâm, dù quan trọng và trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, "chỉ là một bộ phận" trong số rất nhiều ngành chức năng tham gia vào chuỗi lưu thông của gỗ lậu.

Và quần chúng làm sao có thể biết và giám sát khi bản thân lâm tặc lại chính là kiểm lâm, như vụ việc- không hề là cá biệt- ở Pù Huống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem