Trở lại “thủ phủ” gỗ lậu
Chúng tôi trở lại huyện Ea Súp - “thủ phủ” gỗ lậu của tỉnh Đăk Lăk - trong vai người đi mua gỗ. Vào phòng khách nhà nghỉ T.H trên đường Âu Cơ, nơi kết nối các đường dây mua bán gỗ, chúng tôi được bà S - chủ nhà nghỉ - đon đả chào mời: “Gỗ chiêu liêu 10 triệu đồng một cặp, chưa kể tiền vận chuyển”. Đặc biệt là chở đi Đà Nẵng hay TP.HCM cũng 1 triệu, mà về Buôn Ma Thuột (chỉ 70km) cũng 1 triệu.
|
Có hàng trăm mét khối gỗ lậu tại xưởng cưa của Công ty Quang Phát nhưng Kiểm lâm Ea Súp thì... không biết. |
“Cái chính không phải là chi phí vận chuyển, mà nhà xe phải làm luật, để đảm bảo nó không bị tịch thu” - bà chủ nhà nghỉ động viên.
Tiếp đó, chúng tôi đến nhà nghỉ N.K.T trên đường Hùng Vương. Ông K - chủ nhà nghỉ khi nghe chúng tôi nói muốn mua số lượng lớn về làm nhà, liền dẫn đến một căn nhà khác nằm cách đường Hùng Vương khoảng 200m. 16 cây cột nhà bằng gỗ kiền kiền đường kính đúng 40cm, dài 7m được chất thành đống mé trái căn nhà. Ông K lại giở một tấm bạt khác bên phải căn nhà, giới thiệu đống gỗ này là xà ngang gắn liền với 16 cây cột kia.
“Số hàng này, thêm 10 cây cột kiền kiền, tôi đang để ngoài rẫy nữa, tổng cộng là 460 triệu đồng”. Thấy tôi vẫn băn khoăn, ông K trấn an: “Tôi sẽ làm việc với các doanh nghiệp chế biến gỗ, họ sẽ xuất hóa đơn bán hàng, có xe chở về tận nhà cho anh. Có điều gỗ kiền kiền bây giờ rất hiếm, chỉ tiêu đầu vào của họ không có, vì vậy chi phí hợp thức sẽ rất cao”.
Tôi vẫn tỏ vẻ lưỡng lự, ông K dẫn đi xem tiếp những ngôi nhà gỗ đã hoàn thiện, trong đó, đáng chú ý nhất là một căn nhà 2 tầng làm bằng gỗ cà chít. Ông nói: “Căn nhà này được làm bằng 70m3 gỗ quý hiếm, giá 1,4 tỷ đồng, không bớt. Được cái sẽ có giấy xác nhận mua bán nhà cũ của chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn, anh muốn chở đi đâu cũng được”.
Câu chuyện của bà S, ông K đã cho thấy đường đi nước bước của gỗ lậu từ Ea Súp về xuôi, trong đó phổ biến nhất là “chiêu” buôn gỗ núp dưới danh nghĩa bán nhà cũ, còn các doanh nghiệp chế biến gỗ thì quay vòng hóa đơn để vận chuyển gỗ lậu một cách công khai. Gỗ lậu chất đầy trong nhà dân ở ngay khu vực trung tâm thị trấn, kiểm lâm không biết quả là chuyện rất lạ. Tuy vậy, ở Ea Súp còn nhiều chuyện... lạ hơn.
Kiểm lâm không biết (?!)
Đến nay, dư luận ở Đăk Lăk vẫn đang đặt nhiều dấu hỏi trong việc xử lý vụ Trương Văn Quang – Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát và đồng bọn khai thác, tiêu thụ 2.367,054m3 gỗ lậu tại huyện Ea Súp và trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm. Ngày 18.6.2010, PC46 Công an Đăk Lăk bắt quả tang gần 500m3 gỗ lậu tại các xưởng cưa ở thôn 14, xã Ea Lê và thôn 2, xã Ia Jlơi do Quang làm chủ.
Dư luận cho rằng, nếu vụ án không được xử lý đến cùng thì sau trùm gỗ Trương Văn Quang, chắc chắn ở Ea Súp sẽ còn xuất hiện những “tập đoàn” lâm tặc khác.
Quá trình điều tra, công an xác định từ tháng 3.2009 đến tháng 6.2010, Công ty TNHH Quang Phát đã nhập xưởng, chế biến, tiêu thụ 2.367,054m3 gỗ lậu các loại. Toàn bộ số gỗ này do các đầu nậu trên địa bàn Ea Súp như Phạm Thị Hải Yến, Hồ Văn Ái, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Thị Thiệu… cung cấp. Để có gỗ bán cho Trương Văn Quang, các đầu nậu này đã móc nối với 63 lâm tặc chuyên nghiệp ở Ea Súp tổ chức khai thác.
Vụ án đã được TAND tỉnh Đăk Lăk xét xử vào cuối tháng 9.2011. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao Trương Văn Quang và đồng bọn tổ chức khai thác, chế biến, tiêu thụ hàng nghìn mét khối gỗ lậu trong thời gian dài mà Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp lại không biết? Thậm chí khi PC46 đang lập biên bản, nhiều xe cày của lâm tặc vẫn hồn nhiên chở gỗ về... nhập xưởng.
Lời khai của các bị can cho thấy, phần lớn số gỗ này được lâm tặc khai thác trái phép tại các tiểu khu 249, 262 thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Cư Mlan. Khám nghiệm hiện trường tại các tiểu khu này, công an cũng phát hiện hàng trăm gốc cây đã bị chặt hạ không có dấu búa bài cây.
Chính vì vậy, Viện KSND tỉnh Đăk Lăk đã từng trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm Ea Súp. Tại bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an Đăk Lăk quyết định tách hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các cán bộ Hạt Kiểm lâm Ea Súp để xử lý sau. Nhưng cho đến nay, khi phiên tòa xét xử 12 lâm tặc đã diễn ra gần 3 tháng, vụ án “thiếu trách nhiệm...” vẫn chưa được Cơ quan CSĐT Công an Đăk Lăk khởi tố.
Đồng Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.