Kiểm soát chặt xuất khẩu lợn hơi đường tiểu ngạch

Anh Thơ Thứ tư, ngày 20/11/2019 18:45 PM (GMT+7)
Có một thực tế không thể phủ nhận: Giá lợn hơi đang nóng, nóng từ cuộc họp của Chính phủ đến Bộ NNPTNT, nóng ngay tại chuồng trại và lan ra từng khu chợ. Bộ Tài chính đề nghị sớm bình ổn giá lợn hơi trong khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường lo lắng những vấn đề sát sườn hơn: “Không ai gói bánh chưng bằng thịt gà, thịt dê” và “không ai ăn được cơm nếp ngày 3 bữa”.
Bình luận 0

“Không ai ăn cơm nếp ngày 3 bữa”

Sự so sánh của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho thấy, sự thiếu hụt 8,8 sản lượng thịt lợn vào đúng mùa tiêu dùng thịt nhiều nhất trong năm có thể để lại nhiều tác động lớn về mặt kinh tế - xã hội; Bộ Tài chính có thể đau đầu hơn trong chính sách bình ổn giá để không ảnh hưởng quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); công nhân, người lao động có thu nhập thấp là những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên.

img

Thương lái thu mua lợn hơi tại Bắc Giang. Ảnh: Minh Ngọc

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, nguồn cung những nhóm thực phẩm khác tăng mạnh, nhưng người dân Việt Nam có thói quen ăn thịt lợn, loại thịt này chiếm tới 67% thực phẩm trong cơ cấu bữa ăn nên việc thay đổi khẩu vị không thể thực hiện ngay.

Vấn đề đặt ra là, giá lợn hơi thực tế đang ở mức nào, nếu theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc đang ở mức 66.500 đồng/kg; các tỉnh phía Nam là 63.500 đồng/kg. Cục Chăn nuôi nhận định, về cơ bản giá lợn hơi trong nước thấp và ít biến động hơn các nước xung quanh (hiện giá lợn hơi Trung Quốc đã lên đến 137.238 đồng/kg).

Lý giải hiện tượng giá lợn hơi tăng cao thất thường những ngày qua, Cục Chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân chính không phải do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề làm cho tình hình phức tạp hơn, trong đó có hiện tượng găm giá, thổi giá do các thương lái nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung của các doanh nghiệp, buộc phải mua qua trung gian nên đẩy giá lên cao.

Giá thịt lợn thời điểm này đã tăng < 19% so với cùng kỳ năm trước Mức CPI tháng 11 tăng ~ 0,8 - 1%

Giá thịt lợn tác động đến mức tăng CPI là 0,75%

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong khi đó, giá lợn hơi các địa phương báo cáo tại cuộc họp với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chiều 18/11 thì đều trên mức 70.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Viết Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, hiện giá lợn hơi trên địa bàn đang ở mức 75.000 - 76.000 đồng/kg; trong khi đó, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên cũng xác nhận, giá lợn hơi tại địa phương đã vượt con số 75.000 đồng/kg.

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi trên địa bàn đang ở mức 70.000 - 75.000 đồng/kg; ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, giá lợn  hơi tại thành phố và các tỉnh lân cận đạt 70.000 - 72.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco thì cho biết, giá lợn hơi tại trại của công ty cao nhất là 69.000 đồng/kg.

Kiểm soát chặt xuất khẩu tiểu ngạch

Thời điểm này, không ai muốn giá lợn hơi tăng lên quá cao, kể cả những doanh nghiệp đang còn lợn, bởi nó tác động trực tiếp tới sức mua của thị trường. Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, chia sẻ, bản thân doanh nghiệp không muốn giá lợn thịt tăng lên quá cao, tạo ra sự bất ổn, phát triển thiếu bền vững. Từ đó có thể vô hình trung kích thích người dân tái đàn bộc phát, nguy cơ dịch tái bùng phát trở lại.

Bên cạnh đó, giá lợn trong nước quá cao cũng sẽ tạo điều kiện để thịt nhập khẩu tràn vào Việt Nam, ảnh hưởng lớn cấu trúc nền chăn nuôi trong nước, thậm chí tiềm ẩn mầm bệnh.

Cũng theo ông Tuấn, hiện C.P Việt Nam xuất lợn giá 68.000 đồng/kg, trong khi bên ngoài bán 73.000 - 74.000 đồng/kg nên việc doanh nghiệp giữ giá thấp hơn giá ngoài thị trường rất khó khăn.

Do đó, ông Tuấn kiến nghị các cơ quan chức năng nên tạm ngừng xuất lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc, sẽ lập tức giảm nhiệt giá lợn hơi trong nước nhờ hiệu ứng tâm lý.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng Giám đốc Masan đề nghị Chính phủ phải có chính sách đóng, mở đường biên với Trung Quốc thật rõ ràng, việc lúc đóng lúc mở không nhất quán như hiện nay sẽ gây bất ổn giá lợn trong nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để giữ được ổn định cấu trúc của ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, đề nghị các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp phải áp dụng đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó việc kiểm soát chặt việc nhập khẩu và xuất khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ngoài việc kiểm soát việc xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, cần tăng nguồn tất cả các nhóm ngành thực phẩm từ lợn, trứng, gà, thủy sản. “Nếu chúng ta không có giải pháp đồng bộ, thị trường thực phẩm sẽ bị đảo lộn, chắc chắn sẽ rối loạn thị trường thịt lợn dịp cuối năm và năm sau. Việc đảo lộn sẽ gây thiệt hại cho người chăn nuôi” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem