Giá lợn hơi tăng "chóng mặt", nông dân nôn nóng tái đàn

Minh Huệ Thứ ba, ngày 08/10/2019 19:30 PM (GMT+7)
Khoảng 1 tuần qua, giá lợn hơi ở cả miền Nam và miền Bắc đều tăng chóng mặt, có ngày các doanh nghiệp lớn điều chỉnh giá bán tăng tới 2.000 đồng/kg. Nhận thấy giá lợn hơi sẽ không dừng lại và có thể tiếp tục tăng cao từ ngay tới Tết Nguyên đán, nhiều nông dân đang nôn nóng muốn tái đàn dù dịch tả lợn châu Phi vẫn đang rình rập.
Bình luận 0

Lãi hơn 1 triệu đồng/tạ lợn

Theo ghi nhận của PV NTNN, hiện giá lợn hơi tại miền Bắc xuất bán tại cửa chuồng ngày 7/10 của một số doanh nghiệp đã tăng lên mức 54.000 – 56.000 đồng/kg, đối với lợn hơi loại đẹp có thể đạt 58.000 đồng/kg. Đến ngày 8/10, giá heo hơi ở miền Bắc đã được đẩy lên mức 60.000 đồng/kg. 

Trong khi đó, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Nam cũng đang tăng nhanh, hiện đã chạm mức 53.500 đồng/kg, tức tăng tới hơn 10.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 9/20019.

img

Thương lái chọn bắt heo tại chợ đầu mối huyện Bình Lục (Hà Nam). Ảnh: Trần Quang

Cụ thể, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P chi nhánh miền Bắc ngày 8/10 đã điều chỉnh giá bán lợn hơi tại  các kho chính ở Hoà Bình, Bắc Giang lên mức 58.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với ngày hôm trước. Trong khi đó, Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng mới công bố giá lợn hơi xuất bán tại trại ở mức 60.000 đồng/kg; riêng khu vực Tuyên Quang, giá mở trại của doanh nghiệp này đã nhảy lên mức 61.000 đồng/kg.

Tại một số chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh như Hóc Môn, giá lợn mảnh tại chợ cũng bất ngờ tăng thêm hơn 10.000 đồng/kg, từ chỗ 57.000-58.000 đồng/kg lên trên 70.000 đồng/kg. Các thương lái bán sỉ tại chợ này cho biết, mức giá này sẽ không dừng lại, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới do giá lợn hơi tại miền Nam những ngày gần đây tăng nhanh.

Chỉ trong khoảng 10 ngày, giá lợn hơi tại miền Nam đã tăng từ mức 40.000 – 42.000 đồng/kg lên mức 53.000 đồng/kg đối với lợn thịt ba máu và hai máu, thị trường đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Chia sẻ với PV Báo NTNN, ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại chăn nuôi lợn lớn nhất nhì TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) cho biết, ông vừa xuất bán 70 con lợn với trọng lượng bình quân hơn 100kg/con. Với giá bán như hiện nay, mỗi con lợn bán cho thương lái ông Bắc thu về hơn 6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 1 triệu đồng/con.

Ông Bắc cho biết, so với hồi cuối tháng 9, giá lợn hơi hiện nay đã cao hơn 6.000 - 7.000 đồng/kg. Thị trường đang bước vào giai đoạn "sốt lợn" đúng như dự đoán của các chuyên gia nên những người có lợn to bán dịp này rất phấn khởi.

“Theo thời giá hiện nay, ai có lợn bán là thu lãi “khủng”, nhưng đáng tiếc là không phải trang trại nào cũng sẵn hàng, thậm chí nhiều nơi đã bị dịch tả lợn châu Phi quét sạch, phải bỏ trống chuồng. Việc tái đàn cũng không dễ vì hiện nay giá con giống đang cao, dao động từ 1,5 – 1,6 triệu đồng/con trọng lượng 6,5kg. Chỉ những trại nào dư dả vốn, hoặc chưa từng bị dịch tả lợn châu Phi “hỏi thăm” mới dám nuôi thêm lợn giống lúc này”, ông Bắc nói.

Hiện gia đình ông Bắc có tổng diện tích chăn nuôi 7ha với 2 trại lớn, quy mô chăn nuôi 1.000 lợn nái và khoảng 6.000 lợn thịt. Với quy mô chăn nuôi thuộc dạng "khủng" ở Sơn La nên hầu như ngày nào ông Bắc cũng xuất bán lợn chứ không bao giờ có chuyện “găm” hàng đợi giá như các hộ nuôi nhỏ lẻ.

Nôn nóng tái đàn

Ông Nguyễn Công Bắc cũng dự đoán giá lợn hơi sẽ còn tăng cao hơn nữa và sẽ sớm cán mốc 60.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn vì hiện nay lợn trong dân không còn nhiều, chủ yếu duy trì ở các trang trại lớn. Do cả tổng đàn lợn thịt và lợn nái đều giảm mạnh nên ở nhiều nơi, bà con nông dân và các chủ trang trại đang có tâm lí muốn tái đàn.

img

Nhận thấy giá heo hơi đang tăng cao, nhiều chủ trang trại, nông hộ đã mạnh dạn tái đàn dù dịch tả heo châu Phi vẫn chưa hết căng thẳng. Ảnh minh họa: T.Q

Vừa mới xuất bán 210 con lợn thịt tuần trước, gia đình ông Nguyễn Văn Sửu ở xã Tân Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã nhanh chóng dọn dẹp, vệ sinh lại chuồng trại để chuẩn bị tái đàn. “Lứa vừa rồi tôi xuất bán với giá 45.000 đồng/kg, tuy không cao như hiện tại những cũng có lãi một chút. Căn cứ tình hình hiện nay, giá lợn hơi sẽ còn tăng nên chúng tôi cũng tiếp tục nuôi để có lợn bán dịp Tết”, ông Sửu nói.

Tương tự, HTX Minh Lộc, xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng vừa thả nuôi lứa lợn mới. Ông Trương Xuân Bính – Giám đốc HTX Minh Lộc cho hay: “Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh nên trong “bão" dịch tả lợn châu Phi, trang trại của chúng tôi không hề hấn gì. Để có đủ nguồn hàng cung ứng cho khách trong dịp cuối năm và sau Tết Nguyên đán, HTX đã thả nuôi tiếp 600 con lợn thịt. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, cứ 3 ngày chúng tôi xịt khử trùng 2 lần, rắc vôi bột trong và ngoài khu vực nuôi. Cách 20 - 24 ngày, HTX lại kiểm tra định kỳ huyết thanh cho đàn lợn trước khi xuất bán”.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Cảnh – Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, thương lái ở Bắc Ninh vừa gọi điện đặt hàng mua lợn của HTX với giá 52.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với cuối tháng 9. Với giá hiện nay, người chăn nuôi có thể lãi từ 1 – 1,6 triệu đồng/tạ lợn nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi. Hiện đàn lợn trong các hộ nuôi nhỏ lẻ tại Hà Tĩnh ước giảm tới 2/3, chỉ những trang trại lớn là còn trụ được.

Nhìn giá lợn hơi tăng chóng mặt từng ngày, nhiều người sốt ruột muốn tăng đàn, tái đàn để gỡ gạc lại thua lỗ thời gian qua, nhưng ông Cảnh có suy nghĩ ngược lại.

“Mặc dù giá cả thị trường đang rất hấp dẫn, ai thấy cũng ham nhưng tôi chủ trương ổn định chăn nuôi. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán 600 con lợn, dự kiến từ ngay tới Tết Nguyên đán sẽ xuất bán gần 2.000 con nữa và giữ ổn định đàn nái từ 300 – 350 con. Chúng tôi cũng mới xây thêm 2 chuồng lợn thịt quy mô khoảng 1.400 con, chủ yếu nuôi lợn giống của trại tự sản xuất chứ không tăng đàn. Hiện nay tình hình dịch tả lợn châu Phi tại địa phương vẫn rất căng thẳng, không thể tham được”, ông Cảnh nói.

Tái đàn phải đảm bảo an toàn sinh học

Về việc tái đàn lợn, tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học và góp ý cho các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian gần đây tỉ lệ tiêu hủy lợn do dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh so với các tháng trước, nhưng chúng ta vẫn phải xác định “sống chung” với dịch lâu dài bởi chưa có vaccine và thuốc phòng chữa bệnh.

Việc tái đàn lợn là có thể, nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem