Kiểm soát dịch bệnh do vi khuẩn Salmonella và E.Coli gây ra trên gia cầm tại Việt Nam

An Nguyên Thứ sáu, ngày 02/08/2024 16:41 PM (GMT+7)
Ngày 2/8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo kiểm soát dịch bệnh do vi khuẩn Salmonella và E.Coli gây ra trên gia cầm tại Việt Nam. Hội thảo do Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam phối hợp với Cục Thú y tổ chức.
Bình luận 0

Tiếp cận, chẩn đoán đã khó còn đắt, mua kháng sinh, vắc xin đã dễ lại còn rẻ

Ngành gia cầm Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đi kèm với sự tăng trưởng là những thách thức lớn liên quan đến an toàn thực phẩm và dịch bệnh. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành gia cầm không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn có tiềm năng xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella và E.Coli đã và đang là mối đe dọa lớn.

Kiểm soát dịch bệnh do vi khuẩn Salmonella và E.Coli gây ra trên gia cầm tại Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) – đã chỉ ra rằng: "Tình trạng ngộ độc thực phẩm liên quan đến gốc động vật ngày càng gia tăng, với nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra. Đây là vấn đề cần phải được giải quyết khẩn cấp. Trong đó, Salmonella và E.Coli được biết đến như những tác nhân chính, không chỉ ảnh hưởng đến động vật mà còn gây tổn thất nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Vi khuẩn này có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như tiêu chảy, sốt, và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời".

Hệ thống chăn nuôi và giết mổ gia cầm hiện nay ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Việc phân cấp giữa cơ sở giết mổ công nghiệp và nhỏ lẻ tạo ra những mắt xích yếu trong chuỗi thức ăn an toàn. 

Ông Long nhấn mạnh: "Trên cả nước hiện có 25.800 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, điều này làm gia tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Khi giết mổ nhỏ lẻ, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn hơn và đây chính là nơi mà vi khuẩn dễ dàng lây lan".

Ngoài ra, sự xâm nhập của các sản phẩm động vật nhập khẩu không được kiểm soát một cách nghiêm ngặt càng làm trầm trọng thêm tình hình. Nhiều sản phẩm này mang theo mầm bệnh tiềm tàng, gây ra không chỉ cho động vật mà còn cho người tiêu dùng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cũng nhấn mạnh việc siết chặt các biện pháp kiểm soát nhập khẩu chính ngạch là cần thiết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến và giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh do Salmonella và E.Coli gây ra. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là cải thiện điều kiện chăn nuôi và thực hiện an toàn sinh học. Việc này bao gồm cải thiện quy trình chăn nuôi, giám sát y tế động vật, quản lý dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho đàn gia cầm.

Ông Sơn cho rằng, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi sẽ giúp phát hiện và kiểm soát dịch bệnh sớm. Các biện pháp khống chế như sử dụng vòng quay vắc xin và chế phẩm sinh học cũng được nhấn mạnh là cần thiết để giảm thiểu tác động của bệnh tật. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán khó, khi việc sử dụng kháng sinh phổ biến đang gián tiếp dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người chăn nuôi nhằm xây dựng các tiêu chuẩn xét nghiệm và giám sát chặt chẽ Salmonella và E.Coli trong sản phẩm thịt và trứng gia cầm. Việc này không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn tạo một môi trường sản xuất an toàn cho cả người chăn nuôi và động vật.

Kiểm soát dịch bệnh do vi khuẩn Salmonella và E.Coli gây ra trên gia cầm tại Việt Nam- Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, bà Huỳnh Thị Thanh Bình - Đại diện Phòng Thú y cộng đồng (Cục Thú y) chia sẻ: "Hàng năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt gia cầm tiêu dùng trong nước. Năm 2023, các địa phương trong cả nước đã lấy 4.171 mẫu thịt tươi và mẫu thịt chế biến để giám sát các chỉ tiêu vi sinh vật. Kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ mẫu thịt tươi ô nhiễm vi sinh vật vượt quá giới hạn cho phép vẫn còn cao tới 26,2%; tỷ lệ mẫu thịt tươi nhiễm vi sinh vật vượt quá giới hạn cho phép năm 2022 là 18,36%".

"Ngay sau khi phát hiện thấy mẫu không đặt các chỉ tiêu vi sinh vật theo quy định, Cục Thú y đã thực hiện thông báo kết quả phân tích mẫu cho cơ sở doanh nghiệp và các chi cục chăn nuôi thú y tỉnh/thành phố quản lý các cơ sở. Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện truy xuất, xác định nguyên nhân mẫu không đạt yêu cầu, áp dụng các biện pháp khắc phục phù hợp. Các Chi cục Thú y vùng /Chi cục Thú y địa phương giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục tại cơ sở; đồng thời báo cáo kết quả lại về cho cục Thú y. Đối với việc xử lý mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm bằng cách thực hiện thu hồi xử lý mẫu không bảo đảm ATTP theo quy định tại Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của thông tư số 17/ 2021/ TT - BNNPTNT ngày 20/12/2021" - bà Huỳnh Thị Thanh Bình nêu thêm.

Làm thế nào để kiểm soát hiệu quả E.Coli và Salmonella?

Ông Vishwas Gowda - Giám đốc sản phẩm Health by Nutrition khu vực Châu Á cũng đã có những chia sẻ về giải pháp kiểm soát hiệu quả E.Coli và Salmonella spp cho trang trại chăn nuôi gia cầm. Cụ thể, ông Vishwas Gowda cho biết: Từ trước đến nay, kháng sinh đã được sử dụng để điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn Salmonella ở gia cầm. Việc này hiện đang phải đối mặt với những thách thức do sự xuất hiện của các chủng kháng kháng sinh và sự phát triển của cơ chế kháng thuốc ở vi khuẩn.

Với mục tiêu kiểm soát sự nhân lên của E.Coli và Salmonella, sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch của vật nuôi. Các đơn vị chăn nuôi gia cầm có thể kiểm soát tình trạng nhiễm E.Coli và Salmonella, đồng thời nâng cao sức khỏe và năng suất chăn nuôi. Các chiến lược thay thế để kiểm soát tình trạng nhiễm E.Coli và Salmonella trên gia cầm đang được ứng dụng nhiều đó là sử dụng vắc-xin; kiểm soát an toàn sinh học; Probiotic và axit hữu cơ. Trong đó, giải pháp của Adisseo đó là tạo môi trường bất lợi cho vi khuẩn gây hại; đồng thời tăng cường tính toàn vẹn cho sức khỏe đường ruột bằng các sản phẩm chứa axit béo mạch ngắn.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng một hệ thống chăn nuôi gia cầm an toàn và bền vững là cần thiết. Hội thảo không chỉ là một diễn đàn để chia sẻ thông tin mà còn là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau quản lý và giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững ngành chăn nuôi gia cầm.

Kiểm soát dịch bệnh do vi khuẩn Salmonella và E.Coli gây ra trên gia cầm tại Việt Nam- Ảnh 3.

Tăng cường kiểm soát, không để dịch bệnh gia cầm xảy ra trên diện rộng.

Tại hội thảo, ông Bạch Quốc Thắng – Tổng Giám đốc Công ty CP Thú y Xanh Việt Nam cho rằng: Hiện nay, người chăn nuôi đang có thói quen dùng thuốc kháng sinh. Không thể phủ nhận rằng, ở thời điểm hiện tại công tác tiếp cận, chuẩn đoán đã khó còn đắt, trong khi đó việc mua kháng sinh, vắc xin đã dễ lại còn rẻ. Nếu cứ tiếp tục tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh như thế này sẽ phải rất lâu nữa người chăn nuôi mới bỏ được thói quen này. Thứ nữa, việc đưa ra giải pháp ứng dụng các chế phẩm không phải kháng sinh mà rất hiệu quả rất cần nhân rộng qua các cơ quan truyền thông.

"Đặc biệt, các chế phẩm này nếu tính ra thì khá là rẻ so với thuốc kháng sinh và vắc xin. Vì vậy, tại sao chúng ta không nhân rộng, không làm truyền thông cho phương pháp đã hiệu quả lại còn rẻ này để bà con nắm được và tiếp cận với phương pháp sử dụng chế phẩm probiotic và axit hữu cơ này?."- ông Thắng cho biết thêm.

Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh do Salmonella và E.Coli gây ra. Một trong những biện pháp chủ lực được nhắc đến là tăng cường an toàn sinh học trong quá trình nuôi trồng, áp dụng các công nghệ tiên tiến để kiểm soát dịch bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn thông tin: “Chúng ta cần những giải pháp đồng bộ, từ quy trình chăn nuôi, giám sát y tế động vật, đến quản lý dinh dưỡng. Chỉ khi có sự mở rộng đồng bộ này, chúng ta mới có thể giảm thiểu rủi ro từ các mầm bệnh".

Ông Sơn cũng kêu gọi việc khôi phục và phát triển các chuỗi cung ứng an toàn, nơi sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng mà còn phải an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ông nhấn mạnh rằng việc khôi phục các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn xét nghiệm Salmonella và E. coli là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhấn mạnh thông điệp: Không những phải kiểm soát chặt chẽ Salmonella, E.Coli trong sản xuất chăn nuôi, giết mổ ngay tại trong nước mà kể cả đối với các sản phẩm thịt nhập khẩu từ các quốc gia khác. Đây cũng chính là cam kết của ngành nông nghiệp Việt Nam trong cuộc chiến chống lại các bệnh dịch truyền nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Rõ ràng việc kiểm soát dịch bệnh do vi khuẩn Salmonella và E. coli là một nhiệm vụ cấp thiết và yêu cầu sự phối hợp của tất cả các bên liên quan. Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, cần phải thực hiện những giải pháp đồng bộ và nghiêm túc trong quản lý an toàn thực phẩm, từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Chỉ khi đó, ngành gia cầm Việt Nam mới có thể phát triển một cách bền vững và khẳng định vị trí của mình trên thị trường quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem