Tây Ninh tăng cường liên kết chăn nuôi an toàn dịch với doanh nghiệp để xuất khẩu gia cầm

Trần Khánh Thứ năm, ngày 04/07/2024 05:45 AM (GMT+7)
Tây Ninh xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gia cầm để hướng đến xuất khẩu. Hoạt động chăn nuôi an toàn dịch cần có sự tham gia của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả phòng bệnh, hình thành các chuỗi liên kết với nông dân.
Bình luận 0

Chăn nuôi an toàn dịch ở nông hộ còn khó khăn

Ông Đỗ Đăng Chinh ở xã Hòa Thạnh (huyện Châu Thành) tận dụng diện tích vườn xung quanh nhà để nuôi gà, mỗi lứa từ 100-200 con. Việc chăn nuôi theo truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh. Ông Chinh kể, trước đây, tình trạng gà bị dịch, chết hàng loạt khiến các hộ chăn nuôi thiệt hại nặng.

Từ năm 2021 đến nay, ông đầu tư vốn để xây dựng mô hình trang trại và chuyển hướng sang chăn nuôi gà VietGAHP. Ông tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như tiêm vaccine phòng ngừa các loại bệnh trên gia cầm. Ông cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng xung quanh.

Mô hình nuôi gà theo hướng VietGAHP của ông Đỗ Đăng Chinh. Ảnh: Minh Dương

Mô hình nuôi gà theo hướng VietGAHP của ông Đỗ Đăng Chinh. Ảnh: Minh Dương

Theo ông Chinh, việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gà vẫn là giải pháp quan trọng. "Bởi khi nấm bệnh phát sinh sẽ lây lan rất nhanh, khó phòng trị hiệu quả, nguy cơ thiệt hại là rất lớn", ông Chinh nói.

Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn khoảng 30%. Việc chăn nuôi theo tự nhiên, chuồng hở khiến công tác quản lý an toàn dịch bệnh còn khó khăn.

Công tác tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm trong chăn nuôi nông hộ cũng không dễ thực hiện. Nhất là ở khu vực nông thôn, một số người chăn nuôi còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Kinh phí xét nghiệm hàng năm đối với cơ sở an toàn dịch, nhất là các trang trại lớn còn khá cao. Nhiều cơ sở, trang trại đã không duy trì khi không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Giá bán sản phẩm từ cơ sở an toàn dịch, sản phẩm tham gia vào chuỗi chưa có sự khác biệt nhiều so với các sản phẩm bình thường. Các trại tư nhân chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh do giá cả thị trường không ổn định.

Bên cạnh đó, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chủ yếu chỉ phục vụ trong nước. Thị trường xuất khẩu của tỉnh chưa được nhiều. Phần lớn chỉ có các doanh nghiệp chăn nuôi chủ động đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch.

Một điểm trình diễn chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh thực hiện. Ảnh: Trần Khánh

Một điểm trình diễn chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh thực hiện. Ảnh: Trần Khánh

Tại Hội thảo kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch ở trang trại gà thịt tổ chức ngày 3/7 ở Tây Ninh, bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, tỉnh có đường biên giới dài nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và xâm nhiễm dịch bệnh rất cao.

Chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn còn đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung. Mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm còn lưu hành trong môi trường chăn nuôi. Nguy cơ dịch bệnh xảy ra ngay trong vùng được xây dựng an toàn dịch bệnh.

Giải pháp quan trọng vẫn là tổ chức thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh. "Đồng thời, ngành chức năng phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi tiến hành xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh", bà Loan nói.

Phát huy vai trò liên kết của doanh nghiệp trong chăn nuôi an toàn dịch

Công ty TNHH Ba Nguyên đang đặt nhiều trang trại chăn nuôi tại huyện Châu Thành. Bà Trần Thị Hạnh - Phó Giám đốc công ty đánh giá, việc ứng dụng kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học và có sự liên kết sẽ ít gặp rủi ro hơn chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ.

Khi nhập gà giống, công ty chọn gà có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm vaccine từ gà bố, gà mẹ. Công ty chủ động tiêu độc, khử trùng ở các trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại nuôi. Gà từ các trang trại đến tuổi xuất chuồng, công ty bao tiêu toàn bộ nên không phải lo đầu ra hay giá cả thị trường.

Công nhân phân loại trứng gà ở Công ty TNHH QL Farm (huyện Tân Biên). Ảnh: Trần Khánh

Công nhân phân loại trứng gà ở Công ty TNHH QL Farm (huyện Tân Biên). Ảnh: Trần Khánh

Công ty TNHH QL Farm ở xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên) có quy mô chăn nuôi hơn 1 triệu con gà đẻ lấy trứng xuất khẩu. Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà, công ty chăn nuôi an toàn sinh học theo mô hình khép kín, kiểm soát môi trường và khử trùng bằng tia UV.

Quy trình kiểm soát chất lượng được thực hiện nghiêm ngặt từ vệ sinh chuồng trại, tiêm chủng, chăm sóc gà cho đến phân loại trứng bằng hệ thống phân loại tự động, tiệt trùng bằng tia UV. Hiện nay, sản phảm trứng gà của công ty đã xuất khẩu sang Hồng Kông, Maldives...

Hiện nay, Tây Ninh đã có 2 huyện là Dương Minh Châu và Tân Châu đã được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh, với cúm gia cầm và Newcastle trên gà. Dự tính đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ xây dựng thành công 2 vùng nữa ở huyện Tân Biên và Gò Dầu.

Ông Dương Văn Phụng- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu cho biết, địa phương được tỉnh định hướng hình thành 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 4 vùng có chăn nuôi.

Việc huyện Tân Châu được công nhận vùng an toàn dịch bệnh vừa qua sẽ tạo tiền đề tốt để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trên địa bàn huyện, nhất là chăn nuôi quy mô lớn, góp phần hình thành các chuỗi liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nhà máy ấp trứng công nghệ cao của công ty CP Bel Gà ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Nhà máy ấp trứng công nghệ cao của công ty CP Bel Gà ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT, điểm nổi bật trong tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua là mời gọi thành công nhiều doanh nghiệp đầu tư vào triển triển chăn nuôi quy mô lớn gắn với vùng an toàn sinh học.

Tỷ lệ chăn nuôi tập trung, an toàn toàn của tỉnh được nâng lên, đạt 78%; từng bước gia tăng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu của toàn ngành.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi. Đây là tổ chức tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất chế biến, góp phần nâng cao hiệu quả phòng bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

Ông Xuân cho biết, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là hướng đến xuất khẩu. Vì thế, hoạt động này nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp thì sẽ khó thành công.

Doanh nghiệp là đầu tàu trong trong hoạt động sản xuất, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm từ động vật và xây dựng các chuỗi để xuất khẩu, ông Xuân chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem