Kiểm tra nồng độ cồn, CSGT có được phép rút chìa khóa phương tiện giao thông?

Nhật Minh Chủ nhật, ngày 31/12/2023 18:00 PM (GMT+7)
Bạn đọc Bùi Văn Thanh (Hà Đông) đặt câu hỏi, trong quá trình lưu thông nếu gặp chốt thổi nồng độ cồn, CSGT có được rút chìa khóa xe của người bị kiểm tra không?
Bình luận 0

Theo luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định CSGT trong quá trình tuần tra, kiểm soát được phép dừng các phương tiện; kiểm soát người điều khiển, phương tiện, các giấy tờ liên quan tới người điều khiển và phương tiện; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ và áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội cũng như các vi phạm khác theo quy định.

Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 chỉ rõ 9 biện pháp bao gồm: Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Khám người; Khám phương tiện vận tải, đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...

Trong đó, có thể thấy không nhắc tới việc CSGT được quyền rút chìa khóa phương tiện của người vi phạm. Bởi vậy, việc tự ý rút chìa khóa xe (nếu có) của người thi hành công vụ là hành vi không phù hợp.

Kiểm tra nồng độ cồn, CSGT có được phép rút chìa khóa phương tiện giao thông? - Ảnh 1.

CSGT làm nhiệm vụ thổi nồng độ cồn ở Hà Nội (Ảnh: Xuân Huy).

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, việc rút chìa khóa xe có thể được coi như một biện pháp ngăn chặn hợp pháp và nằm trong giới hạn quyền dừng, kiểm soát người, phương tiện của CSGT. Ví dụ, nếu CSGT ra tín hiệu dừng xe nhưng người vi phạm nồng độ cồn tỏ thái độ thách thức, cố ý tăng ga nhằm bỏ trốn hay cố tình lao xe vào lực lượng chức năng, đây là hành vi không chỉ gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ mà còn cho những người giao thông khác. Khi đó, việc rút chìa khóa là cần thiết nhằm thực hiện quyền kiểm soát phương tiện, ngăn chặn hành vi của người vi phạm.

Ngược lại, nếu người vi phạm hợp tác, tuân thủ hiệu lệnh và không tỏ thái độ chống đối, hành động thu giữ chìa khóa xe là không phù hợp.

Như vậy, trong một tình huống dừng xe để kiểm tra hành chính hoặc kiểm tra nồng độ cồn thông thường, nếu CSGT tự ý thu giữ chìa khóa xe thì đây là hành động không phù hợp. Tuy nhiên, đối với các tình huống nguy hiểm, xuất hiện sự chống trả hay các hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, xâm phạm tới tài sản, sức khỏe hay tính mạng người khác, CSGT có quyền rút chìa khóa phương tiện để thực hiện quyền kiểm soát phương tiện, ngăn chặn hành vi vi phạm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem