LTS: Việc đồng loạt kiểm soát tải trọng xe trên phạm vi toàn quốc từ 1.4 được coi là động thái quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải nhằm chấm dứt việc buông lỏng quản lý xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường. Đây là một chủ trương đúng đắn nhưng trên thực tế, nông dân là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu những hệ lụy từ chủ trương này. Với lý do cước phí vận tải tăng do cuộc tổng kiểm soát tải trọng xe toàn quốc, việc vận chuyển nông sản bị ách lại, người nông dân bắt buộc phải giảm giá nông sản để bù phí vận tải trong khi trớ trêu thay, họ cũng phải đối mặt với sự rập rình tăng giá của phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng đều từ lý do: Cước phí vận tải tăng.
Nông dân gánh hếtNông dân Nguyễn Văn Tiễn ở Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết, kể từ khi có “lệnh” kiểm tra tải trọng xe tải thì giá lúa rớt dài. Anh Tiễn lo lắng: “Trước 1.4, do hiệu quả chương trình tạm trữ, lúa tươi IR 50404 được giá lên tới 4.500 – 4.600 đồng/kg bán ngay tại ruộng. Nhưng từ khi việc tổng kiểm tra tải trọng xe diễn ra, giá lúa rớt dần từ 100 - 200 đồng/kg, đến nay chỉ còn 4.100 đồng/kg mà còn chưa có người mua”.
Theo các thương lái ở ĐBSCL, nguyên nhân là do việc kiểm tra tải trọng xe tải đã khiến việc vận chuyển gạo ra Bắc xuất tiểu ngạch bị tắc lại. “Tiêu thụ không được mà cước phí vận chuyển lại tăng lên gấp 2 – 3 lần khiến giá thành lúa gạo bị đẩy lên cao. Không còn cách nào khác buộc chúng tôi phải giảm giá thu mua và mua ít đi để xem xét tình hình” – bà Trần Thị Bông, thương lái mua gạo ở Thoại Sơn, An Giang phân trần.
Chưa hết, lúa chưa bán được còn giá vật tư đầu vào đã rục rịch tăng khiến nông dân lãnh đủ. Chị Thu Hằng ở Châu Phú, Đồng Tháp nói như muốn khóc: “Hôm trước bán 10 tấn lúa giá có 4.050 đồng/kg, lỗ 5 triệu đồng. Nay chuẩn bị bón phân cho vụ hè thu thì giá phân bón lại tăng 15.000 – 25.000 đồng/bao. Đại lý nói do bù lỗ cho cước phí vận tải tăng vì việc kiểm tra tải trọng xe(?). Rốt cuộc, mọi thứ đều đổ lên đầu nông dân”.
Liệu có công bằng?Không riêng lúa gạo, sản phẩm trái cây giá cũng buộc phải giảm để bù cước vận tải. Anh Huỳnh Văn Sang - Phó Chủ nhiệm HTX Xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) cho biết, giá xoài cát từ đầu tháng 4 đến nay giảm mạnh hơn 10.000 đồng/kg các loại. Cụ thể, xoài cát loại 700 – 800g/trái từ 50.000–60.000 đồng/kg hiện còn 40.000 đồng/kg, loại 450–600g/trái xuống còn 28.000 đồng/kg, loại dưới 350g/trái tuột xuống 18.000 đồng/kg.
"Xe nhà tôi chủ yếu chở mía, sắn lát cho người dân trong huyện; giá cước cố định 170.000 - 220.000 đồng/tấn (tùy khoảng cách). Xe có tải trọng cho phép là 6 tấn nhưng thường xuyên phải chở gấp đôi (12 tấn) mới có “ăn”. Nếu chở đúng tải chỉ có lỗ, bởi tiền dầu đã chiếm hơn 1/3 tổng cước vận tải. Hơn 10 ngày qua, do phải chạy đường vòng để né trạm cân nên không có lãi, đành phải nghỉ ở nhà…”. Tài xế Nguyễn Văn Đ (Tuy An, Phú Yên) Hùng Phiên (ghi)
|
Ông Sang cho hay, với mức giá này nông dân cầm chắc lỗ, vì mọi năm giá xoài cát loại lớn tới 60.000 – 65.000 đồng/kg. Theo các thương lái, giá từ tháng 4 đến giờ giảm là do cước vận chuyển tăng, việc kiểm tra tải trọng làm việc vận chuyển hàng xuất bán qua Trung Quốc bị nghẽn lại, không tiêu thụ được.
Thanh long cũng giảm giá mạnh. Thanh long ruột trắng tại Long An, Tiền Giang từ 25.000 đồng/kg trong tháng 3 giảm xuống còn 17.000 đồng/kg hiện nay. Riêng thanh long ruột đỏ còn có 30.000 đồng/kg. Ông Trần Hữu Danh - Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (Tiền Giang) cho biết, 80% thanh long của công ty ông là xuất khẩu qua Trung Quốc. Ông Danh cho biết dù giá thanh long đang rất rẻ nhưng doanh nghiệp cũng không dám mua vì cước vận tải vừa tăng lại vừa thiếu xe chở hàng. Với tình hình đó, nhập hàng về chưa chắc đã chuyển đi tiêu thụ được.
Ông Danh nhận định: “Cước vận tải về giá trị thật đâu chưa thấy, tôi chỉ thấy nông dân đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Phước Bính - Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng mọi chi phí tăng từ cuộc tổng kiểm tra tải trọng xe này rốt cuộc cũng được doanh nghiệp tính vào chi phí giá thành sản phẩm. Để bù đắp chi phí phát sinh này, doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng giá bán.
Ông Hoàng Phước Bính kết luận: “Rốt cuộc chỉ có nông dân lãnh đủ ở cả 2 mặt đầu vào và đầu ra. Bởi giá phân bón rục rịch tăng. Còn thị trường bị ứ đọng, nông sản không tiêu thụ được thì họ giảm giá thu mua. Tóm lại nông dân chết trước rồi mới tới doanh nghiệp”.
Đồng Nai: Lập biên bản 37 xe chở quá tải Ngày 16.4, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp về việc triển khai trạm cân tải trọng xe lưu động trên địa bàn tỉnh. Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết: Từ ngày 9-13.4, trạm đã kiểm tra tải trọng 344 lượt xe và lập biên bản vi phạm 37 vụ chở hàng quá tải. Cũng theo Sở GTVT, trong 5 ngày hoạt động, trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động gặp lỗi không nhận dạng hình ảnh phương tiện vào cân, camera số 1 bị hư hỏng cho đến nay. Sở GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai duyệt cấp kinh phí để thi công gia cố trước mắt 8 vị trí đặt trạm kiểm soát tải trọng trên QL51, 56 và 20 là hơn 2,6 tỷ đồng. MINH THĂNG
|
Ngọc Minh (Ngọc Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.