Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng bán rẻ chưa từng có, nông dân tỉnh Kiên Giang lao đao
Kiên Giang: Lươn đồng, cá rô "quá lứa lỡ thì", nông dân đành tặc lưỡi theo kiểu "sống chung với dịch"
Chúc Ly - An Lâm
Thứ hai, ngày 27/09/2021 06:15 AM (GMT+7)
Thời gian qua, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến việc tiêu thụ một số nông sản, gây khó khăn cho đời sống nông dân. Tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), nhiều hộ nuôi trồng thủy sản như lươn, cá rô, ếch đang tìm cách “sống chung” với dịch bệnh để duy trì sản xuất.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng, hiện toàn huyện có hơn 2.700ha cá nuôi ao và nuôi trên ruộng lúa, 4.960 vèo cá, 964 bồn lươn và hơn 260 ngàn con ba ba, cua đinh, rắn ri voi, ếch... Trái ngược với thịt heo được ưa chuộng tiêu dùng trong thời gian giãn cách, nhiều loại thủy sản tại Giồng Riềng bị ứ đọng, giá giảm mạnh và khó bán.
Gia đình anh Nguyễn Tấn Đầy (ngụ ấp Đồng Tràm, xã Long Thạnh) hiện có 600kg ếch thương phẩm đến kỳ xuất bán nhưng chưa có nơi tiêu thụ. "Hiện mỗi ngày tôi cần 5kg thức ăn tương đương 90 ngàn đồng để cho ếch ăn. Suốt 3 tháng nuôi tiền đầu tư con giống, thức ăn công nghiệp hơn 20 triệu đồng", anh Đầy cho biết.
Trước tình hình này, anh đã nhờ Hội Nông dân xã Long Thạnh đăng thông tin lên mạng xã hội để tiêu thụ ếch, hy vọng sẽ có nhiều người xem và tìm đến thu mua.
Theo anh Đầy, hiện ếch của gia đình anh được bán giá 40 ngàn đồng/kg, thấp hơn trước dịch 10 ngàn đồng/kg, tính ra chỉ huề vốn nhưng chưa có ai mua. Anh đành cho ăn cầm chừng chờ hết giãn cách.
Ếch là loại thực phẩm nhiều giá trị dinh dưỡng, thường được tiêu thụ trong các nhà hàng, quán ăn. Vào thời gian giãn cách xã hội, tất cả các quán ăn, nhà hàng đều ngừng hoạt động. Vì vậy, với số lượng nhân khẩu tại xã Long Thạnh khó mà tiêu thụ hết lượng ếch thương phẩm.
Cũng đồng cảnh ngộ vật nuôi đến lứa vẫn chưa bán được, ông Võ Văn Thiên, ngụ áp Nguyễn Văn Thới, xã Thạnh Lộc chưa bán được 20 tấn cá rô đầu vuông. Ông Thiên đã cố gắng kêu gọi thương lái, tuy chốt được giá 29.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so trước khi có dịch nhưng cũng nhận được câu trả lời là "đợi".
Theo ông Thiên, cá rô nuôi 5 tháng đã có thể xuất bán nhưng nay đã 6 tháng ông vẫn chưa cất ao bán được. Trước tình hình đó, ông Thiên đành giảm lượng thức ăn hàng ngày để cá không quá lớn. Ngoài 20 tấn cá đã quá lứa thì khoảng 20 ngày tới 40 tấn cá rô trong ao thứ hai cũng tới ngày thu hoạch.
"Hai ao nuôi mỗi ngày cho ăn 20 triệu đồng tiền thức ăn. Từ khi bắt đầu nuôi đến giờ hai ao cá này tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Hôm qua có một vựa cá tại Hậu Giang cho hay sẽ qua thu mua sau khi xin được giấy phép xác nhận đi lại vận chuyển hàng hóa, gia đình cũng bớt lo. UBND xã cũng cho hay nếu thu hoạch cá bán sẽ có bộ đội xuống giúp thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, gia đình tôi mừng lắm", ông Thiên chia sẻ.
Giảm, thay đổi thức ăn để duy trì sản xuất
Trong bảng thống kê 29 danh mục mặt hàng nông sản cần tìm đầu ra của UBND huyện Giồng Riềng thì có đến 7 hộ nuôi lươn thương phẩm thuộc các xã Ngọc Thuận, Ngọc Hòa, Thạnh Hòa đến kỳ xuất bán với sản lượng hơn 8,5 tấn.
Ông Nguyễn Thanh Hải, thành viên Tổ hợp tác nuôi lươn ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc cho biết, gần 1 tháng nay ông như ngồi trên đống lửa vì còn hơn 4 tấn lươn thương phẩm đến kỳ xuất bán nhưng chưa bán được.
Dù ông đã ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ nhưng do không đi lại được, doanh nghiệp hẹn hết giãn cách sẽ thu mua. Hiện giá lươn thương phẩm đang ở mức 140 ngàn đồng/kg, giảm 35 ngàn đồng/kg so với trước khi giãn cách.
Toàn Tổ hợp tác nuôi lươn ấp Võ Thành Nguyên hiện có hơn 7 tấn lươn thương phẩm của 6 hộ nuôi đã tới kỳ xuất bán.
Ông Hải cho hay: "Để cầm cự bầy lươn, tôi và các hộ thành viên trong tổ hợp tác cho lươn ăn giảm cử để đợi ngày xuất bán lươn không quá lớn, đến khi bán cũng được giá hơn. Trước thì 2 ngày cho lươn ăn 1 bao thức ăn công nghiệp 25kg thì nay 3 ngày mới cho ăn một lần. Loại thức ăn chuyên dụng cho lươn cũng được tôi tìm loại khác có thành phần dinh dưỡng tương tự, có thể mua tại huyện để thay thế vì không thể qua TP.Cần Thơ mua như hồi chưa có dịch. Đây là cách tốt nhất để duy trì sản xuất lúc này".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.