Kiến nghị, đề xuất để các Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoạt động hiệu quả hơn

Thu Hà Chủ nhật, ngày 26/06/2022 14:09 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 9 khoá VII vừa qua, dưới sự chủ trì Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất cơ chế để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân.
Bình luận 0

Nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân, nông thôn

Thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay cùng với Trung tâm Hỗ trợ nông dân  nông thôn Trung ương, đã có 52 Hội Nông dân tỉnh, thành phố có Trung tâm Hỗ trợ nông dân.

Các Trung tâm đã tích cực, chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên nông dân.

Bên cạnh đó, các trung tâm cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất; đào tạo, tập huấn, tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị.

Tạo cơ chế, hành lang để các Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, Hội Nông dân Việt Nam các cấp phải có giải pháp quyết liệt trong lãnh chỉ đạo tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, nông thôn. Ảnh: Đức Quảng

Một trong những hoạt động quan trọng của các Trung tâm là đã tổ chức kết nối hỗ trợ hội viên nông dân trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ nông sản.

Hoạt động của các Trung tâm đã góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân; phát huy vai trò, vị thế và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, qua đó tập hợp, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội.

Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm cũng còn bộ lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, nguyên nhân căn cốt chính là tổ chức Hội chưa tạo cơ chế, hành lang để các Trung tâm hoạt động.

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động hỗ trợ, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn, khẳng định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân Việt Nam các cấp phải có giải pháp quyết liệt trong lãnh chỉ đạo tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, nông thôn.

Tạo cơ chế, hành lang để các Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh 2.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Quảng

Nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ

Tại Hội nghị đã có rất nhiều ý kiến của các đại biểu chỉ ra những khó khăn mà các Trung tâm đang gặp phải đó là hoạt động đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, do một số Trung tâm không được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp nên không được tham gia thực hiện công tác đào tạo nghề tạo nguồn xuất khẩu lao động và giới thiệu việc làm cho nông dân ở địa phương.

Hiện nay nhiều Trung tâm chưa xây dựng được đề án sử dụng tài sản công của Trung tâm để khai thác cơ sở vật chất của Trung tâm. Hiện đã có nhiều cơ sở vật chất bị hư hỏng xuống cấp. Công tác quản lý các Trung tâm chưa chặt chẽ, có địa phương còn buông lỏng, hầu hết để các tỉnh tự quản lý, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án khai thác nhưng chưa được phê duyệt. Tại nhiều địa phương, biên chế cán bộ còn thiếu, chưa đảm bảo để các Trung tâm hoạt động hiệu quả…

Ông Nguyễn Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân Nam Định có ý kiến: "Trước đây chúng ta đã có hội nghị bàn về các giải pháp cho hoạt động của Trung tâm hỗ trợ ND nhưng chưa được quyết liệt, rõ ràng. Chính vì thế trong quá trình triển khai thực hiện về địa phương thì mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau. Quan điểm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đưa vấn đề này ra trong Hội nghị này rất được chúng tôi đồng tình về quan điểm chỉ đạo. Trung tâm dạy nghề hoạt động hiệu quả thì vai trò, vị thế của tổ chức Hội sẽ càng được khẳng định và nâng cao".

Tạo cơ chế, hành lang để các Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân Nam Định có ý kiến, hiện nay các Trung tâm phải thực hiện theo Quyết định 212 về tự chủ kinh phí nên đang gặp khó khăn. Vì vậy việc tự chủ kinh phí đề nghị cần có lộ trình, nếu thực hiện ngay các trung tâm sẽ rơi vào tình cảnh "đuối nước". Ảnh: Đức Quảng

Cũng theo ông Mạnh, từ thực tiễn của Hội Nông dân Nam Định trong thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội đã mạnh dạn phân các công việc liên quan đến hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân sang cho Trung tâm Dạy nghề, hỗ trợ nông dân để trung tâm tham mưu triển khai thực hiện. Điều này có tác dụng rất tích cực trong hoạt động hỗ trợ nông dân. Toàn bộ chương trình liên ngành phối hợp với Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân đều được Trung tâm tham mưu và thực hiện rất tốt trong quản lý, giải ngân vay vốn từ các nguồn vốn trên đến với các hội viên nông dân.

Tuy nhiên, hiện nay các Trung tâm phải thực hiện theo Quyết định 212 về tự chủ kinh phí nên đang gặp khó khăn. Vì vậy việc tự chủ kinh phí đề nghị cần có lộ trình, nếu thực hiện ngay các trung tâm sẽ rơi vào tình cảnh "đuối nước" do đó rất cần có sự tiếp sức…

Theo ý kiến của bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết: Trung tâm dạy nghề của tỉnh Quảng Nam đã hoạt động gần 20 năm, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các hoạt động của trung tâm đạt được nhiều hiệu quả được UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá cao.

Trung tâm hỗ trợ và dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam hoạt động 3 nhóm chính: Đào tạo nghề, cung ứng phân bón trả chậm, giống cây trồng; cung ứng máy công cụ.

Tạo cơ chế, hành lang để các Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam kiến nghị với Trung ương Hội nên thống nhất cách gọi chung cho các trung tâm và để đảm bảo cho các trung tâm thực hiện được công tác đào tạo nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, Trung tâm đang gặp khó khăn cần tháo gỡ đó là công tác dạy nghề. Theo Quyết định 212 , Trung tâm có tên gọi là "Trung tâm hỗ trợ nông dân", nhưng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 thì Trung tâm Hỗ trợ nông dân  không có chức năng dạy nghề. Do đó, thời gian vừa qua Trung tâm Hỗ trợ nông dân Quảng Nam không thể thực hiện được chức năng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hội Nông dân Quảng Nam  kiến nghị với Trung ương Hội nên thống nhất cách gọi chung cho các trung tâm và để đảm bảo cho các trung tâm thực hiện được công tác đào tạo nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho hay: Trung tâm Hỗ trợ Nông dân TP Hồ CHí Minh được thành lập năm 2004, đến nay Trung tâm đã thay đổi công năng hoạt động là Trung tâm Dạy nghề, hỗ trợ nông dân (thêm chức năng dạy nghề, chức năng hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật).

Tạo cơ chế, hành lang để các Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho biết, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh đang gặp vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ của Trung tâm, do cơ chế vận hành, chính sách chế độ phụ cấp

"Trung tâm có 6 chức năng chính trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng chỉ có 10 biên chế và 2 hợp đồng làm việc. Công việc thì nhiều nhưng lực lượng làm việc lại ít (không được tuyển thêm người). Do đó, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh đang gặp vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ, do cơ chế vận hành, chính sách chế độ phụ cấp. Hiện nay muốn luân chuyển cán bộ về Trung tâm làm việc phải làm công tác tư tưởng. Vướng mắc thứ 2 đó là cần phải đào tạo để cán bộ đó thích ứng với công việc của Trung tâm, do đó mất rất nhiều thời gian…" - Bà Xuân nói.

Khẳng định vai trò của trung tâm, ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân có chức năng giúp Hội Nông dân tỉnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội Nông dân, nâng cao trình độ tay nghề, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nông dân; giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; tổ chức các hoạt động truyền thông tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân về sản xuất, thị trường, khoa học kỹ thuật, kết nối cung cầu, giới thiệu, tiêu thụ nông sản, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Sau 20 năm thành lập, bộ máy tổ chức của Trung tâm từng bước được ổn định. Đội ngũ cán bộ ngày càng được tăng cường về cả số lượng và chất lượng. Các hoạt động chuyên môn dần đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả hoạt động trên mọi mặt".

Tạo cơ chế, hành lang để các Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh 6.

Theo ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, cùng với làm tốt công tác dạy nghề, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Bắc Ninh kết nối cung cầu, giới thiệu, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ảnh: Thu Hà

Trong 20 năm qua, trong lĩnh vực dạy nghề, đơn vị đã trực tiếp và phối hợp với các sở, ngành chức năng mở 816 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 24.597 lao động nông thôn.

Trung tâm duy trì "Cửa hàng giới thiệu và bán sản phấm nông nghiệp an toàn" tại Trụ sở Hội Nông dân tỉnh; định kỳ tổ chức Chợ phiên nông sản an toàn… Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, Trung tâm đã chủ động liên hệ với Hội Nông dân các tỉnh, các chủ trang trại, hộ sản xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn nông sản cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

Tạo cơ chế, hành lang để Trung tâm Hỗ trợ nông dân nâng cao hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến từ 4 tổ thảo luận diễn ra tại Hội nghị, đã có 52/150 đại biểu có ý kiến đóng góp. Các ý kiến trên đều thống nhất để thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp về nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân như trong dự thảo Báo cáo đề cập thì cần phải quan tâm nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của Trung tâm. Trong hệ thống các trung tâm, Trung tâm Trung ương Hội phải có vai trò làm đầu mối kết nối với các Trung tâm của các địa phương.

Bên cạnh đó, cần kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các tỉnh thành phố có Trung tâm thực hiện đúng tinh thần Quy định 212 của Ban Bí thư về tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm; với các bộ, ngành liên quan như Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về chương trình dạy nghề; Bộ Tài chính về hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; nhất là thống nhất các danh mục dịch vụ công của Trung tâm...

Để thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp về nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân trong giai đoạn tới, Thường trực Trung ương Hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu và giao cho Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn Trung ương tập hợp ý kiến, nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Báo cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem