Rau, quả ngoại tràn ngập chợ

Thứ tư, ngày 01/12/2010 07:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Tổng cục thống kê, từ nửa cuối quý III đến đầu quý IV năm nay, lượng rau, quả nhập khẩu vào nước ta tăng vùn vụt. Trong khi đó, các sản phẩm trong nước của bà con nông dân dư thừa rất lớn.
Bình luận 0

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu rau, quả trong tháng 11 vừa qua đạt tới 30 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đến thời điểm hiện tại ước đạt tới 264 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2009.

Nhập từ măng tre, hành, tỏi

Vẫn theo Tổng cục Thống kê, từ nay đến hết năm 2010, kim ngạch nhập khẩu rau, quả từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh. Nguyên nhân là Trung Quốc đang bước vào thời điểm thu hoạch chính rất nhiều loại rau, quả như quýt, nho, lê, táo, và các loại rau như bắp cải, cải tím, cải thảo...

img
 

Tổng cục Thống kê dự báo, nhập khẩu rau quả trong nửa cuối quý IV chịu nhiều tác động của yếu tố “thời vụ” (tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán). Bởi vậy, nhập khẩu hoa quả trong tháng 12 sẽ còn tăng rất mạnh.

Trong các loại quả mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc, nho, lê, táo chiếm vị trí hàng đầu. Kim ngạch 3 mặt hàng này trong tháng 11 đạt 5,9 triệu USD, chiếm 68,2% tổng kim ngạch quả tươi nhập khẩu. Đáng lưu ý, là kim ngạch nhập khẩu cam và quýt từ tháng 8 tới nay tăng rất mạnh, gấp 15-30 lần so với cùng kỳ năm 2009.

Đặc biệt, từ tháng 9 tới nay, kim ngạch nhập khẩu các loại củ tăng “khủng khiếp” đạt 8,9 triệu USD, tăng 57% so cùng kỳ năm 2009. Trong đó, hành các loại đạt kim ngạch cao nhất với 4,2 triệu USD và cũng đồng thời là mặt hàng có tốc độ nhập tăng mạnh nhất, tăng 158,1%. Tiếp đến là tỏi đạt 1,6 triệu USD, khoai đạt 1,3 triệu USD. Các loại rau xanh nhập khẩu trong tháng 9 cũng đạt 2,2 triệu USD.

Ghi nhận tại một số chợ đầu mối và chợ bán lẻ ở Hà Nội cho thấy, giá cả rau, củ trong mấy ngày qua đã giảm khá mạnh. Rau xanh đã giảm tới 30-50%, nhiều loại quả “đắt tiền” như cà chua giảm từ 12.000-13.000 đồng/kg xuống còn 7.000-8.000 đồng/kg.

Nguyên nhân, theo các nhà phân phối là do lượng cung được tăng thêm khá nhiều từ nguồn rau, củ nhập từ Trung Quốc về. Chị Nguyễn Thị Vân - tiểu thương tại chợ Long Biên cho biết: “Bây giờ không còn thiếu chủng loại rau, quả nào là không được nhập từ Trung Quốc, ngay cả măng tre cũng nhập.

Khắp các chợ, từ chợ cóc, chợ tạm đến chợ chính hay chợ đầu mối đều tràn ngập các chủng loại rau, quả được nhập khẩu từ Trung Quốc. Người dân rất thích mua rau, củ Trung Quốc vì mẫu mã đẹp, bắt mắt”.

Cần áp dụng hàng rào kỹ thuật

Kể từ thời điểm 1-1-2004, khi Hiệp định về hợp tác toàn diện ASEAN- Trung Quốc chính thức được áp dụng, thuế suất trung bình cho hàng nông sản vào Trung Quốc được giảm rất nhiều. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã cho rằng, đây là một cơ hội rất lớn để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường có sức tiêu thụ đặc biệt lớn này.

Tại TP.Hồ Chí Minh, dù được “bao bọc” bởi hầu hết các vựa rau quả lớn, nhưng theo thống kê mỗi ngày vẫn có tới gần 300 tấn rau quả nhập khẩu đổ về thị trường này, trong đó chủ yếu là hàng rau quả Trung Quốc. Còn tại Hà Nội, hiện, lượng rau xanh nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 30%, lượng củ, quả chiếm 45-50%.

Tuy nhiên, trái với mong đợi, những năm gần đây, các doanh nghiệp rau quả của Việt Nam đã đánh mất dần thị phần của mình ở Trung Quốc. Ngược lại, rau quả Trung Quốc ngày càng được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường Việt Nam.

Bà Trần Thị Miêng - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Do Việt Nam đã là thành viên của WTO, nên thông thương hai chiều giữa Việt Nam- Trung Quốc với một số mặt hàng nông sản trong đó có rau, quả đã trở nên thông thoáng hơn rất nhiều.

Cả hai bên đều không kiểm soát về số lượng, chủng loại các loại rau quả được xuất nhập qua nhau. Bởi vậy, việc rau quả Trung Quốc ùn ùn tràn vào Việt Nam thời gian qua hoàn toàn theo quy luật cạnh tranh, cung cầu”. Bà Miêng lý giải: “Rau, quả Việt Nam ngày một yếu thế trên sân nhà là do sức cạnh tranh kém hơn về giá cả, mẫu mã, chủng loại.

Điều quan trọng, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng hàng rào kỹ thuật thương mại, nhằm kiểm soát và quản lý chất lượng nông sản từ các nước vào Việt Nam nói chung, từ Trung Quốc vào Việt Nam nói riêng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem