Nhờ chính sách cởi mở
Trao đổi với NTNN, ông Đặng Trần Phong cho biết, con số 12 tỷ USD kiều hối năm 2014 của cả nước được đánh giá là cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng gần 10% so với năm trước đó. Ông Phong cũng cho biết, thống kê của Ủy ban Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài cũng dựa trên các chỉ số thống kê của Viện Quản lý kinh tế T.Ư và Ngân hàng Thế giới. Ông Phong nhấn mạnh, hiện nay có 4.5 triệu người Việt đang sinh sống tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra có khoảng từ 400.0000 - 500.000 công nhân Việt Nam đang làm việc ở nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan qua chương trình xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chuyển qua kênh kiều bào về nước hàng năm rất lớn.
Dịch vụ chuyển tiền nhanh ở Western Union đã giúp lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mỗi năm. (Ảnh: T.L)
Theo ông Phong, trong những năm gần đây tỷ lệ tăng 10%/năm. Năm 2013 đạt khoảng 11 tỷ USD. Việt Nam hiện là 1 trong số 10 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất.
Ông Phong nhấn mạnh, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào gắn lợi ích của mình với lợi ích của đất nước, tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội như đầu tư kinh doanh, làm việc, hợp tác nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa, du lịch, thăm thân...
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Alan Phan cho rằng, một yếu tố quan trọng khác là sau nhiều năm đầu thử nghiệm Việt Nam đã có được một chính sách cởi mở nhằm thu hút kiều hối bao gồm một số biện pháp cần thiết như không hạn chế số lượng kiều hối, cho phép nhận và trả bằng ngoại tệ. Người nhận không bị bắt buộc phải gửi vào trương mục tiết kiệm hay bán ngoại tệ cho ngân hàng và không phải trả thuế thu nhập trên số kiều hối. Trong năm qua tỷ giá và lãi suất thấp hơn trước nhưng tỷ giá đồng Việt Nam/USD duy trì mức ổn định cùng với các kênh đầu tư mới được mở ra tạo thêm sức hút kiều hối.
Ngoài ra, dịch vụ ngân hàng ngày một thuận tiện hơn, ngoài các ngân hàng thương mại còn có hàng chục công ty kiều hối cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mạng lưới rộng, công nghệ kiều hối hiện đại cho phép xử lý giao dịch kiều hối tập trung với mức độ tự động cao. Thủ tục chuyển tiền giản dị và nhanh chóng. Thông thường chỉ trong vòng 24 giờ là người ở Việt Nam nhận được tiền kể cả ở vùng quê. Chi phí chuyển tiền qua công ty thương mại và ngân hàng tiếp tục giảm do cạnh tranh rất cao. Một số ngân hàng đã mở chi nhánh ở các nước như Đức, CH Czech, Lào, Campuchia, Myanmar.
Xu hướng đầu tư bất động sản
Kiều hối được coi là một nguồn vốn để phát triển kinh tế đất nước, đóng vai trò quan trọng trong bình ổn kinh tế vĩ mô, cân bằng thâm hụt cán cân thanh toán, tạo dự trữ quốc gia, tăng đầu tư, ổn định nợ nước ngoài... Kiều hối góp phần thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tư nhân, tạo công ăn việc làm cho xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế từng đánh giá, so với nguồn vốn FDI, ODA có thể biến động do khủng hoảng kinh tế, có thể rút vốn, đòi nợ còn kiều hối đã vào nước thì hầu như không có rút ra mà sẽ đóng góp toàn bộ cho nền kinh tế đất nước.
Mỹ hiện là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất. Giai đoạn 2010 - 2013, lượng kiều hối từ Mỹ chiếm tới khoảng 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Trong cùng kỳ, các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Úc (khoảng 9% tổng giá trị cả nước), Canada (8,4%), Đức (hơn 6%), Campuchia (hơn 4%) và Pháp (khoảng 4%).
Các chuyên gia đánh giá, với GDP bình quân đầu người ước đạt gần 2.000 USD/năm, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình. Cơ hội đầu tư vào Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, nhiều lĩnh vực kinh doanh mới phát triển như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, giáo dục, y tế… Riêng trong lĩnh vực đầu tư, tiền gửi ngân hàng sinh lãi chiếm 30%, sản xuất và dịch vụ chiếm 27 - 30%, đầu tư và kinh doanh vàng chiếm khoảng 20% và thị trường bất động sản chiếm 16 - 17%.
Ông Hoàng Văn Vinh- doanh nhân ở Nga cho biết, xu hướng đầu tư của kiều bào về Việt Nam trong năm 2015 sẽ tập trung nhiều hơn vào bất động sản và xây dựng các tổ hợp dịch vụ giải trí.
Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có xu hướng tăng lên do hàng năm có thêm hàng trăm nghìn người Việt ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình… Đặc biệt lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lên đến 500.000 người, có thu nhập ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.