Kinh doanh chùa - vì đâu có những câu hỏi quặn đau này?

Vương Hà Thứ bảy, ngày 08/06/2019 07:03 AM (GMT+7)
Có trường hợp xây chùa chỉ vài trăm ha nhưng được cấp đất hàng nghìn, thậm chục nghìn ha và trở thành khu vực thuộc kiểm soát của chủ đầu tư. Vậy, cấp đất như vậy đúng pháp luật hay không?
Bình luận 0

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này, một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm là những câu hỏi xoay quanh việc có hay không hiện tượng kinh doanh chùa? Có lẽ, chỉ hơn chục năm trước, chưa ai có thể nghĩ rằng, sẽ có ngày câu hỏi nghi vấn liên quan tới tâm linh kiểu như thế này lại được đưa ra trên diễn đàn Quốc hội. Bởi chùa chiền, trong tín ngưỡng của người Việt, luôn là nơi được coi là tôn nghiêm nhất, mọi người luôn cẩn thận từ cách ăn mặc đến lời ăn tiếng nói nơi cửa Phật. Vậy, vì đâu nên nỗi có những câu hỏi quặn đau này?

img

Chùa Ba Vàng vi phạm khi tổ chức thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ, thu tiền trục lợi

Đỉnh điểm cho những hoài nghi là hiện tượng thỉnh vong gọi hồn ở chùa Ba Vàng. Nó thực sự gây sốc cho cả xã hội, một số đối tượng mượn cửa chùa để trục lợi rất tinh vi qua những trò mê tín dị đoan, vòi tiền rất trắng trợn. Điều đáng tiếc là trò lừa đảo đó diễn ra rầm rộ, công khai nhiều năm nhưng không một cơ quan quản lý nhà nước nào cũng như chính quyền địa phương chú ý. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, mọi người mới ồ à và chỉ biết thốt lên: Trời ơi?!

Cũng đến lúc này, dư luận mới giật mình và bắt đầu quan tâm đúng mức đến lễ dâng sao giải hạn ở một số chùa. Một số vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, trong giáo lý nhà Phật không có khái niệm dâng sao giải hạn, nhưng nó vẫn diễn ra công khai ở một số chùa. Dư luận không thể nào hiểu nổi.

Phải chăng, với những băn khoăn đó, dư luận dễ dàng đồng tình với chất vấn của đại biểu quốc hội: Có hay không hiện tượng kinh doanh chùa? Nổi bật trong đó là hai nội dung liên quan đến những nghi vấn: Tính pháp lý của những dự án tâm linh rộng hàng nghìn ha đất và có hay không một số quan chức đầu tư kinh doanh chùa?

 Về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đưa ra câu hỏi, có trường hợp xây chùa chỉ vài trăm ha nhưng được cấp đất hàng nghìn, thậm chục nghìn ha và trở thành khu vực thuộc kiểm soát của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có kiểm soát, quản lý được không và cấp đất như vậy đúng pháp luật hay không?

img

Hàng nghìn người dự lễ dâng sao giải hạn đầu năm ở một số chùa.

Trả lời chất vấn về câu hỏi có hay không hiện tượng kinh doanh chùa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời không thể đúng hơn: Chưa phát hiện.

Còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, không trả lời thẳng câu hỏi, mà dẫn một loạt văn bản pháp quy liên quan rồi đưa ra kết luận: "Như vậy nếu các địa phương thực hiện đúng, đủ quy định trên thì sẽ đảm bảo việc xây dựng khu lịch du lịch tâm linh, tránh các hiện tượng như đại biểu nêu". Không bằng lòng với cách trả lời này, đại biểu Nghĩa tranh luận về tính hợp lý của việc phân bổ đất đai cho các dự án du lịch tâm linh và có hay không sự nhập nhằng giữa tâm linh và du lịch.

Cùng quan điểm này, một số đại biểu khác cũng đặt câu hỏi: Có nên quy hoạch hàng nghìn ha đất cho du lịch tâm linh như vậy, trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp? Nhưng rất tiếc, vì hết thời gian, nên câu hỏi này sẽ được trả lời qua văn bản. Hy vọng rằng, những trả lời chất vấn bằng văn bản này được công khai để dư luận khỏi phải tiếp tục đặt những câu hỏi bức xúc và quặn đau như thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem