ĐBQH dồn dập chất vấn chuyện trục lợi tín ngưỡng, mê tín dị đoan

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 06/06/2019 06:30 AM (GMT+7)
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng VHTTDL, rất nhiều đại biểu đưa ra các câu hỏi về hoạt động trục lợi tâm linh, tín ngưỡng, mê tín dị đoan.
Bình luận 0

Chiều 5/6, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Có tới 61 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi cho Bộ trưởng VHTTDL, nhiều nhất trong số các Bộ trưởng trả lời chất vấn lần này.

Vụ việc chùa Ba Vàng cùng các hoạt động dâng sao giải hạn, thỉnh vong… được các đại biểu đề cập lại nhiều lần với điểm chung là việc xử lý mới chỉ mang tính răn đe, mức xử phạt không nhỏ không lớn và cũng chưa được xác định rõ tội danh mà pháp luật quy định. Nhiều ý kiến cho rằng phải quy định việc kiếm lời từ mê tín dị đoan là tội phạm hình sự, mức tiền bất chính thu được từ việc này có thể lên tới hàng tỉ đồng thì có phạt đến 100 triệu vẫn là con số rất nhỏ.

img

Vụ chùa Ba Vàng được các đại biểu nhắc lại nhiều lần trong phiên chất vấn Bộ trưởng VHTTDL

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định mê tín dị đoan là vấn đề cần phải loại bỏ trong đời sống xã hội nhưng hiện nay chưa có văn bản nào riêng về vấn đề này. Bộ trưởng cho biết vụ việc chùa Ba Vàng làm ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, cần lên án và xử lý. Mức phạt tiền 5 triệu đồng theo Nghị định 158 đã là mức cao nhất, nhưng theo ông vẫn còn nhỏ, nếu có phạt 100 triệu đồng cũng không phải là lớn. Bộ trưởng VH cho rằng việc xử phạt là tất nhiên, nhưng quan trọng hơn là phải là làm thế nào để lên án, phê phán hành vi phản văn hóa, phi đạo đức, vừa xử phạt vừa tạo dư luận xã hội.

img

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định mê tín dị đoan là vấn đề cần phải loại bỏ trong đời sống xã hội.

Trước chất vấn về việc tìm giải pháp để loại bỏ mê tín dị đoan của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, nguyên nhân của mê tín dị đoan có rất nhiều, như là tác động mặt trái của cơ chế thị trường, theo thói quen, bị kẻ xấu lợi dụng, dân trí thấp… Giải pháp là phải loại bỏ mê tín dị đoan ra khỏi xã hội, nhưng việc này không thể một sớm một chiều. Phải tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác thực thi pháp luật. Rất nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến vấn đề này như Luật di sản, Luật văn hóa tín ngưỡng, nhưng lại không có văn bản riêng về xử lý hoạt động mê tín dị đoan.

img

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ của tỉnh An Giang có nhiều câu hỏi về hoạt động mê tín dị đoan

Hiện tại cần chúng ta phải suy nghĩ xem có văn bản thống nhất để xử lý riêng về mê tín dị đoan, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho thấy sự nguy hiểm của mê tín dị đoan, làm rõ từng thủ đoạn và xử lý nghiêm và xác định rõ vai trò của các cấp chính quyền địa phương. Ngoài ra cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng các công trình văn hóa. Đời sống khó khăn, người dân có bệnh không được chữa, đời sống tinh thần thiếu thốn sẽ càng đẩy mạnh mê tín dị đoan.

Các câu hỏi về vấn đề này tiếp tục được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời vào phiên chất vấn sáng nay 6/6/2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem