Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Cấm hay quản?

Lê Thúy Thứ hai, ngày 18/11/2019 10:00 AM (GMT+7)
Chính phủ kiến nghị bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng không nên cấm mà yêu cầu thêm điều kiện kinh doanh để quản lý chặt chẽ hơn.
Bình luận 0

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trước Quốc hội. Dự thảo luật này sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014. Đáng chú ý, tờ  trình của Chính phủ đã đề nghị bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Nhiều biến tướng…

Thực tế hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê diễn ra rất phức tạp lâu nay và đã có nhiều đề xuất chính sách đối với hoạt động này. Thế nên, không phải ngẫu nhiên tại dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi lần này đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Bởi thực tế thời gian vừa hoạt động của dịch vụ đòi nợ của đa số các công ty đòi nợ lại đang biến tướng, bất chấp pháp luật... khiến dư luận bất an.

Một thống kê cho thấy, có 67 công ty đòi nợ tại TP.HCM hoạt động sai với giấy phép quy định đăng ký nhân viên thu hồi nợ, trong đó 46 công ty chưa được cấp giấy phép. Nhiều đối tượng xã hội đen, đòi nợ thuê, tiền án tiền sự núp bóng đầu tư hoạt động thông qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và đối tượng hình sự, băng nhóm tội phạm để đi đòi nợ kiểu giang hồ như trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ gây nên hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.

img

Quán phở Hòa trên đường Pasteur (quận 3, TP.HCM) bị nhóm đòi nợ thuê tạt mắm tôm, sơn và phá phách. (ảnh: internet)

Điển hình như vụ tạt sơn, bỏ gián vào bát phở của thực khách xảy ra tại quán phở Hòa trên đường Pasteur, quận 3 TP.HCM. Sau khi bắt giữ nhóm 4 nghi phạm, các đối tượng khai, để ép chủ quán phở này trả nợ thay cho em rể, nhóm này đã ra tay bằng nhiều thủ đoạn để hạ uy tín của quán ăn vốn là địa điểm có tiếng, được nhiều du khách nước ngoài biết đến.

Tại Đồng Nai, một địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, nạn đòi nợ thuê kiểu giang hồ cũng kinh hoàng không kém. Đầu tháng 8 vừa qua, Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt giữ nhóm 4 đối tượng để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản. Theo đó, băng nhóm này đã mang dầu nhớt trộn với mắm tôm và sơn ném vào nhà anh N.V.C (phường Phước Tân, TP.Biên Hòa). Nguyên nhân, nhóm trên được một người tên Bùi Trọng Tú thuê tìm người em vợ của anh N.V.C để đòi 750 triệu đồng.

Còn tại TP.Biên Hòa, thống kê sơ bộ năm 2018 có 7 vụ đòi nợ thuê kiểu “khủng bố” không chỉ tinh thần, mà cả thân thể con nợ. Tương tự, tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), cuối tháng 3/2019, một nhóm 5 tên đi đòi nợ số tiền chỉ 4 triệu đồng, nhưng đã đâm chết người thân của con nợ, gây thương tích nặng người liên quan.

Từ thực tế này, không chỉ kiến nghị từ cuối năm 2018, mới đây, trong báo cáo gửi Bộ Tài chính về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn thành phố, UBND TP.HCM cũng kiên trì đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Bởi ngoài hệ quả bất ổn xã hội, biến tướng nêu trên, thì về mặt luật pháp, quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Với quan hệ này, Nhà nước có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án... để giải quyết khi xảy ra tranh chấp.

Quốc hội đề nghị quản lý chặt 

Tại TP.HCM, năm 2014, bình quân mỗi tháng có 1 vụ phạm pháp hình sự từ hệ quả của việc cho vay nặng lãi trái pháp luật và đòi nợ thuê. Tới năm 2018, số vụ phạm pháp hình sự lên đến 4 vụ/tháng, với nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ nhất là xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con nợ và thân nhân con nợ. Nặng nhất là giết người.

Tuy nhiên trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. "Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Đồng tình, ông Lê Công Nhường - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định cho rằng, đây là nhu cầu của xã hội, cấm thì sẽ biến tướng. "Tín dụng đen bị cấm thì chuyển sang hoạt động trên mạng, đòi nợ thuê cũng thế, nên quan tâm xây dựng pháp luật đủ để quản lý chứ không nên cấm"- ông Nhường nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem