Kinh doanh "thịt mát", công ty Masan MeatLife lãi 8,3 lần cùng kỳ nhờ 2.700 điểm bán hàng

Quốc Hải Thứ hai, ngày 02/08/2021 12:23 PM (GMT+7)
Công ty CP Masan MeatLife (UPCoM: MML) - doanh nghiệp kinh doanh mảng thịt mát của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang báo lãi ròng quý 2 đạt 152 tỷ đồng, gấp 8,3 lần cùng kỳ nhờ ưu thế có đến hơn 2.700 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Bình luận 0

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính công bố, trong quý 2 MML ghi nhận doanh thu thuần 5.528 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Lãi gộp không gia tăng đáng kể, thu về 638 tỷ đồng (cùng kỳ 636 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong quý 2, công ty có khoản lãi khác 79,8 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ hơn 1,2 tỷ đồng).

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của MML đạt 190 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 114 tỷ đồng). LNST của MML đạt 142 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 71 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng đột biến, lên 152 tỷ đồng, gấp 8,3 lần cùng kỳ (18,3 tỷ đồng).

"Hưởng lợi" nhờ dịch Covid-19, mảng thịt heo của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lãi gấp 8,3 lần  - Ảnh 1.

Mảng kinh doanh thịt mát của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang thắng lớn nhờ lợi thế hàng nghìn điểm bán hàng trên toàn quốc (Ảnh: Masan MeatLife)

Tính chung nửa đầu năm, MML đạt doanh thu thuần 10.232 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ; lãi ròng lũy kế 290 tỷ đồng (cùng kỳ thua lỗ 13 tỷ đồng).

Theo giải trình của MML, doanh thu tăng trưởng chủ yếu nhờ mảng thịt tích hợp (thịt lợn) tăng 36%, doanh thu thức ăn chăn nuôi tăng 33% và đóng góp 630 tỷ đồng từ Công ty 3F Việt (thịt gà).

Trong khi đó, lợi nhuận của MML tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ mảng thịt tích hợp, thịt gà... Theo ghi nhận, đến cuối tháng 6/2021, thương hiệu MEATDeli đã có mặt tại hơn 2.700 điểm bán, hiện diện tại hơn 2.300 cửa hàng thuộc hệ thống VinCommerce trên toàn quốc.

"Hưởng lợi" nhờ dịch Covid-19, mảng thịt heo của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lãi gấp 8,3 lần  - Ảnh 2.

Các chỉ tiêu kinh doanh quý 2 của MML (Ảnh: BCTC Masan MeatLife)

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, với dân số hiện lên đến 10 triệu người, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại TP.HCM luôn ở mức cao so với các khu vực khác. 

Tuy nhiên, bình thường thương nhân các chợ đầu mối chiếm 60 -70% thị phần. Nhưng hiện nay trong bối cảnh nhiều chợ đầu mối vẫn chưa hoạt động trở lại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ là điểm đến thay thế và hệ thống cửa hàng trải rộng khắp của MEATDeli là một  lợi thế.

Chưa kể, tình hình sản xuất thịt lợn của MML không gặp quá nhiều tác động tiêu cực từ diễn biến dịch Covid-19.

Cụ thể, MML đang sở hữu 2 nhà máy chế biến thịt gồm MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn (đặt tại Long An) với công suất thiết kế mỗi nhà máy khoảng 1,4 triệu con lợn/năm. Mảng thịt của Masan đang đứng trước nhu cầu tiêu thụ cực kỳ lớn khi đại dịch bùng phát làn sóng thứ 4 tại TP.HCM và lan rộng sang các tỉnh. Trong khi 2 nhà máy của Công ty đặt tại Hà Nam và Long An, là những địa điểm ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hiện, hai tổ hợp chế biến thịt MEATDeli này vẫn đang hoạt động và tuân thủ nghiêm túc quy định của cơ quan chức năng trong công tác phòng chống dịch.

"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tập trung cung ứng đầy đủ nhu cầu thịt sạch với giá cả ổn định cho người tiêu dùng. Tại TP.HCM, MEATDeli cung ứng 100.000 - 150.000 hộp thịt mát/ngày, tương đương từ 35 - 50 tấn thịt mát. Tại Hà Nội, sản lượng cung ứng được chuẩn bị ở mức tăng gấp đôi so với trước đây", phía Masan cho biết.

Ngoài ra, với diễn biến tích cực từ thị trường, Masan đang hướng đến mục tiêu đưa tổ hợp chế biến thịt đạt từ 25 - 30% công suất sử dụng vào quý cuối năm nay, so với công suất sử dụng hiện tại là gần 11%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem