Kinh hoàng công nghệ rượu… chế

Thứ hai, ngày 17/01/2011 09:02 AM (GMT+7)
Nhiều người không khỏi giật mình khi biết được những chất độc tồn tại trong rượu chế, rượu giả bấy lâu nay.
Bình luận 0

Chỉ vì rẻ, vì... tiện lợi, những người dân ở vùng nông thôn, miền núi và dân lao động tự do đang ngày ngày uống vào cơ thể thứ rượu mang nhiều độc tố.

Trong khi thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi gặp lại T. - một người bạn kiêm "đệ tử của thần lưu linh". T. đã nói chúng tôi biết đích danh tên làng rượu không khói mà T. vẫn “ăn hàng”. Đó là làng Đại Lâm, xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh), làng “rượu chế không khói” nổi tiếng mà báo chí đã từng… rùm beng!

Công nghệ nấu rượu… không khói

Báo chí một thời “ầm ĩ” về công nghệ nấu rượu không khói theo phương thức: “cồn + nước lã + hương liệu = rượu” của không chỉ làng rượu Đại Lâm mà còn ở nhiều làng rượu đã làm say biết bao thế hệ "đệ tử lưu linh" cả trăm năm có lẻ.

img
 

Ban đầu, một chủ lò nấu rượu “bức xúc” và không đủ kiên nhẫn vì thời gian và công suất nấu rượu theo kiểu chưng cất truyền thống, đã đi “tầm tang” thiên hạ cách “nấu” rượu bằng pha chế cồn khô – hay còn gọi là “viên sủi” có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Thấy siêu lợi nhuận, hoạt động chế rượu bằng viên sủi này nhanh chóng lan ra nhiều hộ dân ở Đại Lâm và cũng nhanh chóng “giết chết” những làng nấu rượu truyền thống.

Cách mạng tất phải có phát kiến! Một chủ xưởng rượu người bản địa đã nâng tầm “viên sủi” thành cồn, vừa dễ sử dụng, giá thành rẻ lại năng xuất.

Theo đó, người pha chế chỉ cần pha với nước lã và hương liệu sắn, ngô, gạo là thành rượu với các độ và mùi vị theo ý muốn. Loại cồn này cũng giúp cho việc chế rượu nhanh hơn so với dùng trực tiếp viên sủi. Sau đó, loại cồn này được nâng cấp lên thành cồn hương vị.

img
Rượu thành phẩm được xếp la liệt ngay trên đường

Dụng cụ dùng để chế rượu là những chiếc thùng phuy. Nước được bơm vào thùng đến một ngưỡng nhất định (được biết, chủ pha chế phải dùng… đòn gánh để đo vì chiều cao một phuy nhựa này chừng 1,5m).

Khi mực nước trong thùng đạt đến khấc đã vạch sẵn, cồn được bơm vào các phuy nước. Chiếc đòn gánh dùng làm thước đo mức nước lúc này trở thành dụng cụ để… khoắng cồn cho tan với nước. Miệt mài như thế chừng vài chục phút, dung dịch mới được trộn giữa nước và cồn đã có mùi như… rượu. Để trở thành rượu gạo, rượu sắn, người ta “chế thêm” hương liệu.

Với công nghệ này, một phuy rượu chừng một khối chỉ thao tác trong vòng nửa giờ đồng hồ. Nếu để có được khối lượng rượu nấu như thế này, có lẽ, một lò rượu phải miệt mài cả ngày cả đêm trong vòng cả tuần, nếu như tính theo mức mà bà chủ nhà tiết lộ, rằng một ngày chỉ nấu được chừng vài bốn chục lít.

Bà chủ quán nước đầu dốc Đặng (cách làng rượu Đại Lâm chừng 2 cây số) thở dài: Trước, cả làng Đại Lâm nấu rượu. Bây giờ, còn mấy nhà theo nghề. Nghề truyền thống đã dần mai một và bị giết chết bởi công nghệ “nước pha cồn” như thế.

Dọc trục đường vào Đại Lâm, còn dưới chục nhà “nấu” rượu. Tuy nhiên, mỗi một “lò” này một ngày có thể sản xuất bằng 3, 4 lần công suất của cả làng Đại Lâm ngày xưa.

“Công nghệ này, một đứa trẻ con cũng làm được rượu, vì nó chỉ cần trộn và khuấy. Nhưng không phải ai cũng làm được, vì quan trọng nhất là… đầu ra của sản phẩm. Nói không đâu xa, anh chị cứ vào mấy “hầm rượu” cạnh nhà ông lang chữa bệnh vô sinh, sẽ thấy người ta xây nhà lầu, mua xe hơi… cũng từ những phuy, những téc nước pha cồn như thế!” – bà chủ hàng nước thở dài, chép miệng.

Cồn được sử dụng để chế thành rượu có nồng độ cao, từ 90- 96 độ. Tỷ lệ pha chế của nó là 1 - 4 (1 lít cồn pha chế thành 4 lít rượu), tuỳ vào mức độ rượu nặng - nhẹ khác nhau mà tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh. Tuy nhiên, với cách “nấu” kiểu này, một phuy rượu nếu không “đẩy” nhanh, sẽ bị thối sau vài ba tháng. Đó là trở ngại duy nhất mà những “xưởng rượu không khói” ở Đại Lâm lo lắng.

Tràn lan rượu bẩn 

Anh Nguyễn Văn Tùng (Bình Đà, Hà Nội) khề khà trong khói thuốc: “Hiện nay, đa số họ nấu bằng men tầu hay viên cồn pha nước lã. Đổ các quán đó chỉ khoảng 3,5 nghìn đến 5 nghìn đồng/lít. Những quán cơm bình dân cho công nhân, sinh viên và người lao động thu nhập thấp thường tiêu thụ loại rượu này!”.

img
 

Anh Tùng chia sẻ kinh nghiệm: “Nhiều loại rượu được pha chế từ cồn hoặc cho thêm thuốc trừ sâu… có loại chỉ pha chế bằng 1 viên thuốc vào nước theo tỉ lệ, lắc đều, chờ vài phút là thành rượu”.

Bà Thoa, hàng xóm của anh Tùng nói: “Năm ngoái cưới thằng con lớn nhà tôi mua phải rượu pha cồn. Cả đám cưới uống kêu đau đầu điên đảo. Thật là mất mặt với họ hàng, làng xóm”. Theo bà Thoa trong làng đã có rất nhiều gia đình ham rẻ một vài giá nên đã mua phải rượu nấu “không khói”.

Những ngày giáp Tết, không chỉ thị trường rượu ngoại mới sôi động. Tại các khu vực nông thôn rượu cuốc lủi được sử dụng khá nhiều. Anh Nguyễn Hữu Thạch, một trong những chủ nấu rượu tại Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội cho biết: “ Vào dịp cuối năm này, do có nhiều đám cưới hỏi, đám tang nên nhu cầu rượu tăng lên. Trong vài tháng cuối nhu cầu tăng lên khoảng 4 đến 5 lần. Ở quê một đám cưới thường đặt của anh khoảng 70 đến 80 lít với giá rơi vào 28.000 đến 30.000/lít”

Sau một hồi anh lắc đầu ngán ngẩm: “Cứ tình trạng này, chẳng biết đằng nào mà lần, rượu đểu lan tràn".

Nằm nép bên đường quốc lộ thuộc huyện Hoài Đức là một quán rượu ốc khá nổi tiếng. Ông chủ cửa hàng cho biết: “Tháng trước có người chở can rượu cuốc lủi 20 lít đến chào hàng với giá chỉ 500 đồng. Họ còn sẵn sàng để lại số rượu cho quán bán thử mà chỉ lấy tiền 5 lít làm tin, sau khi cửa hàng bán hết sẽ quay lại lấy can và tiền.”

Ông chủ cửa hàng này chân thật: “Mở nắp can, suýt nữa tôi ngất vì mùi cồn sực lên. Gần chục năm bán rượu ốc, dù sao mình cũng có kinh nghiệm trong thẩm định rượu, chỉ cần ngửi mùi là biết được rượu nào nặng nhẹ, ngon chắc… Thế nên, tôi biết đích thị đây là loại rượu pha chế bằng cồn, khi rót ra bát để chừng vài chục phút, mùi cồn bay hơi, chỉ còn bát nước lã nhạt toẹt. Bán thử cho khách, ai cũng phàn nàn uống khó vào và có mùi lạ, tôi phải dừng lại không dám bán, nếu không thì mất hết khách cả…”.

Ông chủ cho biết thêm: “Nhà vẫn còn gần như nguyên can nhưng đã hơn tháng không thấy bà bán rượu qua lấy can và tiền. Chắc sợ lộ nên bỏ của chạy lấy người rồi!”.

Chính quyền xã bối rối

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng công an xã Tam Đa cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong cách làm này của một số người dân là do chạy theo lợi nhuận. Sản xuất rượu bằng cách hòa cồn công nghiệp với nước lã đem lại lợi nhuận rất lớn, bởi tiết kiệm được toàn bộ các khâu lên men, nhân lực vật lực, sản lượng lại lớn.

Theo ông Quý, vài năm trở lại đây, dư luận trong xã đã khá bức xúc trước cách sản xuất rượu “thiếu đạo đức” này. Họ đã phản ánh nhiều lần lên chính quyền xã về việc có nhiều hộ gia đình vì chạy theo lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác khi uống vào.

Theo thông tin ông Quý cung cấp thì loại cồn công nghiệp mà các hộ gia đình sử dụng để pha thành rượu thường có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hoặc các tỉnh miền Trung chuyển ra (mà ông không nắm rõ lắm về nguồn gốc).

img
 

Ông Quý cũng cho hay: Tam Đa có khoảng 1.200 hộ, thời kỳ cao điểm (đầu tháng 8, tháng 9) có khoảng 800 gia đình nấu rượu. Còn ở thời kỳ thấp điểm có khoảng 200 gia đình nấu rượu”.

Như thế, với sản lượng rượu mà Tam Đa cung ứng cho thị trường vẫn đảm bảo như nhau, chỉ có thể giải thích bởi những ‘lò” sản xuất rượu theo công nghệ không khói có năng suất gấp nhiều lần các lò nấu rượu thủ công.

Trưởng Công an xã Tam Đa tự tin cho biết rượu của địa phương này có mặt ở tất cả các nơi có người uống rượu. Nhưng với công nghệ sản xuất như thế này thì mức độ phổ biến của rượu Tam Đa quả thật trở thành một mối nguy hiểm.

Ông Nguyễn Trọng Hội - Chủ tịch UBND xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) – “hàng xóm” của Tam Đa thở dài: "Thật nguy hiểm với các loại rượu không rõ nguồn gốc, được sản xuất bằng công nghệ cồn hòa với nước lã. Điều đó, ai cũng biết nhưng chẳng ai có đủ thẩm quyền để yêu cầu các xưởng sản xuất rượu kiểu đó “dẹp tiệm”. Họ chở đi bán nơi nào thì chũng tôi cũng chịu…”.

“Trọng chứng hơn trọng cung”, chúng tôi quyết tâm tốn công sức để lần mò sang đất làng Vân. Đi khắp đầu thôn cuối xóm, tịnh không thấy bóng dáng những phuy rượu để dọc bên đường – hình ảnh “đập vào mắt” ở làng Tam Đa hàng xóm. Anh bạn đồng hành, lấy kinh nghiệm “đón gió ngửi mùi”, khìn khịt mấy lần mà vẫn lắc đầu: “Không thấy mùi men đâu cả!”. Làng Vân cơ chừng lụi lửa thật!

Đi dọc con đường xương cá dẫn vào làng, chúng tôi gặp duy nhất hai điểm đại lý bán… sắn khô. Đem cái ngơ ngác hỏi người bản địa, đáp rằng: “nguyên liệu nấu rượu sắn đấy!”. Sắn khô từ mạn ngược đánh về, mốc xanh mốc đỏ và đổ chất đống trên nền đường, tựa như là nguyên liệu để chế biến… thức ăn gia súc! Vẫn người dân hiếu khách và cởi mở kiên trì giải thích: “Có chứ, người ta phải tẩy mốc cho trắng nõn, rồi mới chưng cất, lên men!”.

Đi hết từ ngạc nhiên này sang sững sờ khác, chúng tôi còn được nghe công nghệ “ủ rượu” bằng men công nghiệp, men Tàu: rắc men vào gạo ngâm nước lã, không cần phải nấu thành cơm, vẫn ra cái thứ nước có nồng độ 29, 30 độ, nặng nhẹ tùy theo đơn đặt hàng!

Dọc trục đường làng của làng Vân, những chiếc ao tù đọng mặt vẩn lên những bọt bùn vì không khí không có chỗ thoát, đùn lên như… vẩy nến, đến độ… bèo cũng không sống được...

Theo tiến sĩ Tô Văn Nhật, TGĐ kiêm Phó Chủ tịch HĐQT của Nhà máy rượu AVINAA, tất cả các loại rượu dù được nấu bởi các nghệ nhân ở các làng nghề có tiếng đều còn chứa nhiều độc tố gây hại bởi vì với cách nấu truyền thống đó thì tất cả các độc tố như ester (gây hại thần kinh), alđehyde (gây đau đầu), methanol (gây mù loà), furferol (gây háo nước) và các độc tố khác đều bốc hơi rồi ngưng tụ cùng với rượu (ethanol) mà không tách lọc được. Tất cả các loại rượu quốc lủi (các loại rượu tự nấu từ gạo, nếp cái, sắn,…) có chứa các chất độc hại hơn 50 đến hơn 100 lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Theo Vietnamnet

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem