Kinh hoàng súng kíp vùng biên

Thứ sáu, ngày 02/07/2010 09:19 AM (GMT+7)
(NTNN) - Nhắc đến súng kíp, người dân ở bản miền cao xa xôi nơi thượng nguồn sông Mã vẫn nhớ nằm lòng những câu chuyện kinh hoàng khởi nguồn từ "loài thú dữ" khạc ra lửa này.
Bình luận 0
 img
Thiếu tá Hờ A Cho đi vận động người dân giao nộp súng kíp.

Những cái chết đau lòng

8 giờ tối một ngày cuối năm, Hạng A Páo trú tại Huổi Pá, Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, Sơn La) hớt hải đến Đồn biên phòng 453 trình báo về cái chết bí ẩn của một người cùng bản. Trước đó một ngày, Hạng A Tộng, 35 tuổi, cùng với vợ là Thào Thị Lầu trú tại bản Huổi Pá vào rừng hái măng. Khi đi Tộng có mang theo một khẩu súng kíp và 1 con dao.

Sau khi hái măng, trên đường về Tộng nghe có tiếng gà rừng và bảo vợ về trước. Tộng quay lại khu vực có tiếng gà rừng cách bản khoảng 500m đường chim bay, cách đường biên giới Việt - Lào khoảng 1km. Đến tối không thấy chồng về, Thào Thị Lầu cùng với 2 người trong bản đi tìm nhưng không thấy.

Sáng sớm hôm sau, Lầu có nhờ 7 người trong bản đi tìm, đến 6 giờ sáng thì phát hiện Tộng đã chết ở khu vực rừng thuộc bản Huổi Pá, tư thế chết nằm ngửa, chân trái gẫy làm 2 đoạn có 9 lỗ đạn xuyên qua. Khẩu súng kíp đạn vẫn trong nòng, nằm dưới chân của Hạng A Tộng.

Sau khi nhận được tin báo, Đồn biên phòng 453 đã cử lực lượng gồm 5 đồng chí xuống hiện trường và báo cáo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh. Bộ chỉ huy đã cử lực lượng trinh sát tỉnh phối hợp với Đồn 453 điều tra làm rõ sự việc. Qua khám nghiệm xác định Hạng A Tộng chết do bị súng bắn, đầu gối bên trái có 8 viên, 1 viên xuyên sang chân phải. Truy theo dấu vết, thu được 1 vỏ đạn súng săn cỡ 12 ly cách vị trí xác nạn nhân nằm 50m.

Nhận định ban đầu nạn nhân bị bắn với cự ly rất gần, khoảng 6 - 7m, mất nhiều máu dẫn đến tử vong. Đối tượng gây án có thể là người trong bản. Tuy nhiên có khó khăn là gia đình nào trong bản cũng có ít nhất một khẩu súng kíp tự chế cất giữ trong nhà. Phải mất rất nhiều thời gian điều tra, thu thập chứng cứ, lực lượng điều tra mới quyết định bắt giữ đối tượng Hạng A Chỉa, sinh năm 1990 trú tại Huổi Pá, Mường Lạn, Sốp Cộp. Hạng A Chỉa khai nhận đã bắn nhầm Hạng A Tộng trong lúc đi săn.

Khó khăn với phong tục, tập quán

Loại súng kíp như thế này bà con chỉ làm trong 1 ngày là xong nên rất khó để thu hồi triệt để. Hơn nữa, bà con trong các bản còn làm đơn gửi lên huyện, lên tỉnh xin giữ lại mỗi bản vài khẩu để phục vụ nghi lễ tang ma.

Sau vụ án Hạng A Chỉa, các chiến sĩ biên phòng Đồn 453 đã vận động nhân dân trong bản Huổi Pá giao nộp được tổng cộng 28 khẩu súng các loại. Tuy nhiên, đến năm 2009 vẫn còn xảy ra 1 vụ bắn nhầm người tương tự.

Thượng úy Phạm Thái Hòa - Phó đồn trưởng trinh sát Đồn biên phòng 453, cho biết:

"Từ tháng 8-2009 đến nay, chúng tôi đã thu thêm được 71 khẩu súng kíp và 15 nòng súng kíp. Thế nhưng, loại súng kíp như thế này bà con chỉ làm trong 1 ngày là xong nên rất khó để thu hồi triệt để. Hơn nữa, bà con trong các bản còn làm đơn gửi lên huyện, lên tỉnh xin giữ lại mỗi bản vài khẩu để phục vụ nghi lễ tang ma.

Theo phong tục của người Mông, mỗi khi có người chết phải bắn 3 phát súng lên trời để báo tin cho dân bản biết. Ngoài ra, vào thời điểm giao thừa ngày Tết, các gia đình người Mông cũng mang súng kíp ra bắn 3 phát để xua đi tà ma năm cũ và để thử súng.

Nếu súng nổ giòn thì cả năm đó sẽ không còn cái xấu, cái không may mắn, hứa hẹn một mùa săn bắn, trồng trọt bội thu, no đủ. Chính vì thế việc thu súng kíp tại Sốp Cộp nói chung và Mường Lạn nói riêng đã gặp rất nhiều khó khăn".

Thiếu tá Hờ A Cho - Chính trị viên phó Đồn biên phòng 453 cho biết thêm: "Súng kíp của đồng bào Mông được coi như một báu vật gia truyền trong gia đình. Có những khẩu súng kíp đã được giữ gìn và truyền qua 4 đời như gia đình anh Vừ Bả Câu ở bản Huổi Hịa.

Khẩu súng kíp đối với gia đình anh Câu không còn là một vũ khí để đi săn, để tự vệ mà đã trở thành một vật thiêng, một vật gia bảo của cha ông truyền lại. Nhưng giờ đây người dân đã có chính quyền, có công an, có bộ đội biên phòng lo lắng, bảo vệ cho cuộc sống hàng ngày thì khẩu súng kíp chỉ còn là một thứ vũ khí có thể giết người nên nếu tàng trữ trái phép là vi phạm Bộ luật Hình sự.

Mưa dầm thấm lâu, đã có không ít gia đình tại huyện Sốp Cộp thắp hương xin phép tổ tiên được mang báu vật gia truyền lên đồn biên phòng giao nộp".

Ngoài việc trực tiếp đi vận động bà con trong các bản làng, các chiến sĩ biên phòng còn nhờ đến các già bản có uy tín như ông Giàng Xộng Câu, người đứng đầu dòng họ lớn nhất Pu Hao. Với uy tín của mình, trong các buổi họp dân, ông Câu đã tuyên truyền cho người dân nghe về những tai nạn có thể xảy ra với súng kíp và vận động bà con giao nộp lại thứ vũ khí nguy hiểm này cho bộ đội biên phòng. Với những gia đình còn ngại ngần chưa nộp súng thì ông Câu cùng những người già trong bản bí mật kiểm tra, lên danh sách gửi bộ đội biên phòng tìm cách thuyết phục.

Thiếu tá Hờ A Cho chia sẻ: "Việc thu hồi súng kíp của người dân không chỉ đem lại sự bình yên cho xóm làng mà còn khiến cho các đối tượng xấu không có điều kiện lợi dụng, xúi giục người dân bản vượt biên, chống phá lại chính quyền hay gây ra những vụ án mạng nghiêm trọng. Cách đây 7 năm, Pu Hao đã từng một lần dậy sóng vì cơn bão phỉ tràn qua nên giờ đây người dân chỉ mong sao có được một cuộc sống bình yên không tiếng súng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem