Ngày 6/5/1995, sau chuyến đi dã ngoại kéo dài cả ngày để kỷ niệm 12 năm bên nhau, Harold Henthorn và vợ là Sandra Lynn lái xe về nhà qua vùng nông thôn tại Colorado (Mỹ) khi trời đã ngả tối. Bất chợt, Harold dừng xe lại trên con đường hẻo lánh do lốp trước có vấn đề.
Theo lời kể của Harold, ông dùng chiếc kích đã chuẩn bị sẵn nâng xe lên để thay lốp. Khi ông quăng chiếc lốp hỏng vào thùng xe, có vẻ như lực tác động mạnh đã làm chiếc xe đột ngột trượt khỏi chiếc kích và đè lên người Sandra khi cô đang chui dưới gầm xe để nhặt ốc vít rơi vãi.
Nhân viên cứu hộ được gọi tới hiện trường để đưa Sandra tới bệnh viện nhưng tất cả đã quá muộn. Cô qua đời trên bàn phẫu thuật.
“Vợ tôi mất rồi”, Harold thốt lên với hàng xóm và bạn bè. Ông ta nhanh chóng hỏa táng thi hài vợ và rải tro của cô trên ngọn núi Red của Colorado.
Westword đưa tin, chỉ vài tháng trước khi chết, khi biết tin mình sắp có con, Sandra và Harold mỗi người đã bỏ tiền mua gói bảo hiểm nhân thọ có giá trị 500.000 USD. Khi Sandra qua đời, chồng cô thụ hưởng khoản tiền bảo hiểm trên.
Harold và người vợ đầu Sandra. Ảnh: Westword.
Trong hồ sơ vụ việc, nhân viên điều tra ghi nhận trong các phiên bản lời kể của Harold đôi khi có nhiều điểm không thống nhất, nhưng chuyện đó là bình thường khi người ta phải thuật lại sự kiện gây sang chấn mạnh về tinh thần. Cảnh sát khép hồ sơ vụ án trong vòng sáu ngày với kết luận rằng đây là vụ tai nạn.
Năm 2000, 5 năm sau tai nạn với Sandra, Harold kết hôn với Toni - nữ bác sĩ nhãn khoa xinh đẹp và thành công trên sự nghiệp. Cô còn nắm giữ cổ phần trong tập đoàn dầu mỏ của gia đình.
Ngày 29/09/2012, để kỷ niệm 12 năm bên nhau, Harold một lần nữa lại cùng vợ đi dã ngoại. Lần này, ông rủ Toni đi leo núi dọc theo con đường mòn chân núi Rocky thuộc vườn thiên nhiên quốc gia. Hai người ăn trưa trên sườn núi rồi bắt đầu hành trình leo xuống, tìm kiếm địa điểm thích hợp cho khoảnh khắc lãng mạn riêng tư.
Harold kể lại, hai người đứng trên triền núi để chụp hình cho nhau. Toni đang chỉ cho chồng chỗ đứng để chụp ảnh, điện thoại Harold nhận được tin nhắn từ người bảo mẫu báo rằng đội bóng của con gái họ đã thắng với tỉ số 5-1. Ngay khoảnh khắc ấy, Harold thấy thân hình Toni vụt mờ đi.
Toni ngã lăn từ độ cao 40m xuống vực và phải hứng chịu nhiều thương tích. Sau khi mất 45 phút để leo xuống nơi vợ chạm đất, Harold báo cho cảnh sát và hô hấp nhân tạo cho Toni cho tới khi lực lượng giải cứu tới.
Một lần nữa, người chồng này lại là nhân chứng duy nhất có mặt lúc sự việc xảy ra. Và một lần nữa, tấn bi kịch này chứa đựng nhiều chi tiết đáng nghi ngờ.
Đầu tiên là phản ứng của Harold trước cái chết của người vợ thứ hai giống hệt như khi người vợ đầu bằng câu nói “vợ tôi mất rồi” với bạn bè và người thân của Toni. Cũng giống như 17 năm trước, ông ta hỏa táng thi hài vợ và rải tro trên ngọn núi Red.
Harold sắp được nhận một khoản tiền bảo hiểm nhân thọ nữa, lần này là con số khổng lồ 4,7 triệu USD
Nhận được tin báo nặc danh, cảnh sát quyết tâm tìm kiếm kĩ lưỡng hiện tượng và soi xét lời kể của Harold để phát hiện dấu hiệu khả nghi.
Tại tòa, công tố viên John Walsh dấy lên nghi vấn rằng lời tường thuật của Harold có nhiều chỗ mâu thuẫn. Chứng cứ tìm thấy ở hiện trường không trùng khớp với lời kể của ông ta.
Nhân viên khám nghiệm tử thi làm chứng tại tòa cho biết thi thể Toni không có dấu hiệu gì cho thấy Harold đã tiến hành hô hấp nhân tạo cho vợ như lời ông ta nói vì son môi của Toni vẫn còn nguyên vẹn. Trong bộ nhớ chiếc máy ảnh mà cảnh sát thu được từ hiện trường cũng không có bức ảnh nào chụp cảnh hai người trên triền núi.
Dưới cơ thể Toni không hề có vết máu, điều này chứng tỏ thi thể của cô đã bị chuyển sau khi chết. Hơn nữa, lần theo bước chân của Harold trong quá trình tái dựng hiện trường, cảnh sát chỉ mất 10 phút để đi từ nơi Toni đứng tới nơi cô ngã, chứ không phải 45 phút như lời khai của Harold.
Cảnh sát cũng phát hiện Harold không hề làm việc cho công ty nào, cũng không có khách hàng nào; trong khi ông ta khai với nhân viên điều tra rằng tình hình tài chính của mình rất ổn định và còn thường xuyên vận động gây quỹ cho dự án phi lợi nhuận như xây dựng nhà thờ và bệnh viện. Tại tang lễ, nhiều nhân chứng cho biết không hề có người dự tang lễ nào là đồng nghiệp từ chỗ làm của Harold.
Nhưng có lẽ chứng cứ có sức kết tội nhất chính là tấm bản đồ địa hình vùng núi Colorado mà cảnh sát tìm thấy trong xe của Harold. Trên tấm bản đồ, tại chính địa điểm xảy ra “tai nạn” có đánh dấu một chữ “X” to đậm. Khi bị chất vấn về dấu “X” này, Harold lúng túng và không biết nói gì.
Với tất cả những chứng cứ nêu trên, ngày 8/12/2015, bồi thẩm đoàn tuyên Harold phạm tội giết người với hình phạt là án tù chung thân không ân xá.
Quốc Đạt (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.