Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn.
Ông Sơn nói: "Nhìn chung báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm năm nay được nâng cao lên rất nhiều. Chúng ta cũng đã khám phá các vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, trong đó các vụ án giết nhiều người và tham nhũng đã được khám phá. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất tích cực nên nhiều vụ án được kết thúc sớm và đưa ra xét xử kịp thời. Chất lượng tố tụng cơ bản cũng đảm bảo so với các nghị quyết mà Quốc hội đề ra. Tôi cho như vậy là có những dấu hiệu khả quan, tích cực của các cơ quan tiến hành tố tụng".
Một vấn đề được dư luận bức xúc trong thời gian qua là tội phạm xã hội ngày càng gia tăng và vấn đề này cũng đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ. Đâu là nguyên nhân chính thưa ông?
- Có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là do đời sống kinh tế xã hội khó khăn, nên tạo ra những bức xúc. Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng của yếu tố hội nhập văn hóa nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa phát huy được hiệu quả… Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến tình trạng tội phạm tăng.
Càng ngày tính chất các vụ án càng nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội mang tính chất xảo quyệt, biện pháp che giấu trốn tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra cũng tinh vi hơn.
Tới đây chúng ta cần có giải pháp nào để xử lý những vấn đề trên?
- Việc này đòi hỏi phải có sự đồng bộ của cả hệ thống, kể cả phát động toàn xã hội tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời chúng ta cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ điều tra, tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng đảm đương thực hiện nhiệm vụ.
Ví dụ như các loại tội phạm mới phát hiện như tội phạm công nghệ cao gần đây xuất hiện tương đối phổ biến. Khi tội phạm xuất hiện gắn với sự phát triển của xã hội thì các phương tiện phục vụ cho công tác điều tra truy tố xét xử phải được nâng lên cho phù hợp với công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.