Kinh tế nóng nhất: Mì Hảo Hảo không vi phạm quy định về chất cấm?

Nguyễn Linh Thứ ba, ngày 07/09/2021 21:24 PM (GMT+7)
Xét về các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam, mì Hảo Hảo và Thiên Hương bị cảnh báo vừa qua lại đang sản xuất theo đúng các quy định.
Bình luận 0

Mì Hảo Hảo không vi phạm quy định về chất cấm tại Việt Nam? 

Kinh tế nóng nhất: Mì Hảo Hảo không vi phạm quy định về chất cấm? - Ảnh 1.

Xét về các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam, mì Hảo Hảo và Thiên Hương bị cảnh báo vừa qua lại đang sản xuất theo đúng các quy định. (Ảnh: Acecook)

Việt Nam chưa có quy định về giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm. Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng khẳng định Acecook và Thiên Hương không vi phạm.

Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, Ethylene Oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Xét về các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam, mì Hảo Hảo và Thiên Hương bị cảnh báo vừa qua lại đang sản xuất theo đúng các quy định.

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng cho biết hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm.

Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

“Trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng Ethylene Oxide cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác”, Vụ Khoa học và Công nghệ phân tích.

Bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ hôm qua, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thông tin Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã có báo cáo khẳng định Acecook và Thiên Hương đang tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Đồng thời, 2 doanh nghiệp thông tin không phải tất cả sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường trên đều có yêu cầu thu hồi, mà chỉ có một số sản phẩm nhất định trong thông báo của các cơ quan chức trách tại một số nước như Na Uy, Ireland.

Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm

Kênh "bơm tiền" của Kho bạc Nhà nước dần mở rộng về quy mô và tần suất trong khi cầu tín dụng vẫn chưa thấy có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

Kinh tế nóng nhất: Mì Hảo Hảo không vi phạm quy định về chất cấm? - Ảnh 2.

Lãi suất thấp cho thấy nền kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục. Ảnh vneconomy

Tuần qua (30/8 – 1/9), mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng vẫn duy trì giảm nhẹ khoảng 0,03 điểm phần trăm, dừng ở các mức: qua đêm 0,71%; 1 tuần 0,85%; 2 tuần 0,98% và 1 tháng 1,20%.  

Như vậy, mặc dù nguồn tiền VND bổ sung từ nghiệp vụ mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đáo hạn không còn xuất hiện nhưng diễn biến của lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì đà giảm. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tục ghi nhận mức lãi suất này giảm nhờ thanh khoản hệ thống dồi dào và tín dụng giảm tốc độ tăng trưởng do diễn biến dịch bệnh kéo dài. 

Việt Nam điều tra chống bán phá giá bàn, ghế nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia

Kinh tế nóng nhất: Mì Hảo Hảo không vi phạm quy định về chất cấm? - Ảnh 3.

Điều tra chống bán phá giá bàn, ghế nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia. Ảnh minh họa báo Công Thương

Ngày 7/9, Bộ Công thương cho biết đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn, ghế nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia sau khi nhận được đơn yêu cầu hợp lệ của Công ty cổ phần Xuân Hòa và Công ty cổ phần nội thất Hòa Phát từ tháng 6/2021, với vai trò nguyên đơn đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Nguyên đơn cáo buộc "có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước" trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021.

Từ đó đề xuất biên độ phá giá đối với sản phẩm bàn ghế nhập khẩu của Trung Quốc ở mức 21,4-35,2%, của Malaysia là 24,9-32,4%, với thời gian thiệt hại để điều tra được xác định từ 1/7/2018 đến 30/6/2021.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ báo cáo kết quả điều tra sơ bộ của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra cuối cùng, cũng như tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem