Kinh tế thị trường tạo ra "quyền lực mềm" khiến một số văn nghệ sĩ ảo tưởng về bản thân

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 19/12/2022 11:28 AM (GMT+7)
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã có bài tham luận tập trung làm rõ các nhân tố tác động lớn đến Văn học nghệ thuật trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay.
Bình luận 0

"Kinh tế thị trường nâng cao vị thế của văn học nghệ thuật"

Phát biểu tại Hội thảo khoa học toàn quốc "Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 -NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" sáng ngày 19/12, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập Báo quân đội nhân dân, Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã có bài tham luận tập trung làm rõ các nhân tố tác động lớn đến Văn học nghệ thuật (VHNT) trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. 

Hội thảo khoa học toàn quốc: Những nhân tố tác động đến văn học nghệ thuật trong bối cảnh kinh tế thị trường  - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo "Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 -NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" sáng ngày 19/12. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Bộ, mặt tích cực của kinh tế thị trường đem lại cho đời sống VHNT rất to lớn. Trước hết, tạo ra một đội ngũ văn nghệ sĩ tự do, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp... Nhu cầu xã hội đối với VHNT luôn thay đổi, luôn đòi hỏi mới mẻ, sản phẩm VHNT cũng có "chu kỳ sống" của mình nên tạo ra áp lực cho VHNT phải luôn đổi mới. 

"Kinh tế thị trường còn nâng cao vị thế của VHNT, trở thành "xương sống", là nguồn lực của các ngành công nghiệp văn hóa. Điện ảnh, âm nhạc mang lại doanh thu khổng lồ. Một số ngành khác như văn học, nghệ thuật thị giác đóng góp doanh thu trực tiếp không nhiều nhưng lại cung cấp kịch bản văn học, hình tượng, cách diễn đạt cho công nghiệp văn hóa phát triển. Ngoài ra, từ các tác phẩm VHNT tạo ra giá trị gia tăng với các sản phẩm "ăn theo" như: Phim trường, không gian trong phim trở thành điểm tham quan du lịch; các đồ lưu niệm; thương hiệu và hình ảnh; các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng xuất hiện trong các tác phẩm VHNT... 

Các sản phẩm VHNT được tạo ra từ sự sáng tạo của con người, đó là tài nguyên vô tận và vô giá; đóng góp vào kinh tế quốc dân rất lớn trong khi đó lại không gây tác động lớn đến môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, sản phẩm VHNT trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc gia, trở thành "sức mạnh mềm" ảnh hưởng lên toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa", ông Bộ chia sẻ.

"Kinh tế thị trường tạo ra "quyền lực mềm" cho một số văn nghệ sĩ, khiến họ ảo tưởng bản thân"

Bên cạnh đó, ông Bộ cũng nêu rõ mặt trái kinh tế thị trường đã ảnh hưởng lớn đến đời sống VHNT. Do quá đề cao tính kinh tế, một bộ phận văn nghệ sĩ bất chấp tất cả, chấp nhận cả sự thị phi, cấm kỵ, cố làm sao đạt được danh tiếng, tiêu thụ được sản phẩm VHNT.

Hội thảo khoa học toàn quốc: Những nhân tố tác động đến văn học nghệ thuật trong bối cảnh kinh tế thị trường  - Ảnh 2.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trình bày tham luận. Ảnh: Gia Khiêm

"Họ quên mất rằng, ngay ở các nước phát triển, sản phẩm VHNT không chỉ là hàng hóa thuần túy mà còn là sản phẩm tinh thần, tác động đến đạo đức xã hội, giá trị tinh thần chung của cộng đồng. Cho nên không có tự do tuyệt đối trong sáng tác, muốn làm gì thì làm. Văn nghệ sĩ chỉ có thể tự do sáng tác nếu tôn trọng tự do của cá nhân, của cộng đồng. Ngoài ra, kinh tế thị trường tạo ra "quyền lực mềm" cho một số văn nghệ sĩ, khiến họ ảo tưởng bản thân mình trở thành KOLs (những người dẫn dắt dư luận), đã phát ngôn và hành động thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng thiếu lành mạnh đến môi trường văn hóa", ông Bộ nêu.

Cũng theo ông Bộ, thay vì đáp ứng nhu cầu chính đáng, lành mạnh của công chúng, nhiều tác phẩm VHNT đang sa đà đáp ứng vào nhu cầu, thị hiếu tầm thường, dung tục. Đặc biệt, nhiều sản phẩm VHNT còn có thể xếp vào loại xấu độc, tác động tiêu cực đến nhận thức, thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ.

Từ những phân tích trên, ông Bộ đã nêu ra một số giải pháp như tiếp tục quán triệt, thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về VHNT. Đồng thời, tăng cường tổng kết thực tiễn, hoàn thiện, bổ sung chủ trương, đường lối VHNT. 

"Chúng ta hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến VHNT trên cơ sở đảm bảo các quyền con người trong văn hóa là quyền được thụ hưởng văn hóa, quyền được sáng tạo và thể hiện văn hóa, quyền được tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Trong đó, thực sự tôn trọng quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ gắn với trách nhiệm công dân, kỷ cương xã hội và trên hết là thượng tôn pháp luật. Đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong lĩnh vực VHNT, cần tiếp cận vấn đề một cách khách quan, khoa học, đặt trong mối quan hệ lịch sử, cụ thể. Từng vụ việc, vấn đề sẽ có cách xử lý linh hoạt, thấu tình đạt lý. Tránh để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, chế độ ta", ông Bộ chia sẻ.

Trong bài tham luận của mình, ông Bộ cũng cho rằng, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT. Trong đó chú trọng vào các đề tài lớn của nền VHNT cách mạng, các bộ môn VHNT truyền thống. 

Không ngừng đổi mới nội dung tương thích hình thức mới, tìm phương thức quảng bá hiệu quả, mạnh dạn thử nghiệm xã hội hóa, thương mại hóa các tác phẩm tưởng chừng chỉ có chức năng tuyên truyền - cổ động để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. 

"Đổi mới giáo dục VHNT trong nhà trường, tạo điều kiện cho các không gian VHNT, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng VHNT của tư nhân. Trên cơ sở "gạn đục khơi trong", tiếp thu các hạt nhân hợp lý về quan điểm, lý thuyết VHNT thế giới, góp phần thay đổi tư duy, năng lực sáng tạo của giới văn nghệ sĩ. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền tác giả. Tạo ra môi trường kinh doanh sản phẩm VHNT bình đẳng, công khai, minh bạch; đảm bảo văn nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề, tái tạo sức sáng tạo", ông Bộ chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem