“Hồi hương cổ vật” và “tiếp sức văn học” như thế nào để cả hai không bị “chảy máu”?

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 17/12/2022 17:43 PM (GMT+7)
“Hồi hương cổ vật” và “tiếp sức văn học” là hai vấn đề được bàn luận khá sôi nổi tại phần Thảo luận thuộc phiên Toàn thể của Hội thảo Văn hóa 2022 chiều 17/12.
Bình luận 0

Chiều nay (17/12), tại phần Thảo luận thuộc phiên Toàn thể của Hội thảo Văn hóa 2022 với sự điều phối của nhà báo Lê Quang Minh – Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Quốc hội, nhiều chuyên gia như: ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Tạ Quang Đông, - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế; PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; nhà văn Hữu Việt - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn đã bàn luận sôi nổi về chủ đề "nguồn lực đầu tư cho ngành văn hóa"…

“Hồi hương cổ vật” và “tiếp sức văn học” như thế nào để cả hai không bị “chảy máu”? - Ảnh 1.

Toàn cảnh phần Thảo luận trong phiên Toàn thể của Hội thảo Văn hóa 2022 chiều 17/12. Ảnh: QH.

Mở đầu phần thảo luận, nhà báo Lê Quang Minh nêu câu hỏi cho Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng, số vốn ngân sách Trung ương từ nguồn đầu tư trung hạn giai đoạn này cho phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng, tức là gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chính phủ lại vừa có Tờ trình Ủy ban Thường vụ quốc hội bổ sung 2.728 tỷ đồng để đầu tư một số công trình văn hóa. Chưa kể hàng nghìn tỉ đồng từ các chương trình Mục tiêu quốc gia. Con số này có lớn không và nếu so sánh về tỷ trọng trong đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, văn hóa đã thực sự được ưu tiên chưa?

Trả lời cho câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng nhất là từ sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì thì các bộ ngành địa phương đã ưu tiên đầu tưu cho văn hóa. Trong giai đoạn 2021-2021 thì vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn trong đó có cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở trung ương là khoảng 14.500 tỷ đồng và vốn của địa phương là khoảng 52.000 tỷ đồng. Như vậy tổng vốn đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021 -2025 là 66.500 tỷ, chiếm khoản 2% trong tổng chi đầu tư. Tỷ lệ này cơ bản đáp ứng theo Chiến lược phát triển văn hóa.

“Hồi hương cổ vật” và “tiếp sức văn học” như thế nào để cả hai không bị “chảy máu”? - Ảnh 2.

Nhà báo Lê Quang Minh điều phối phần Thảo luận với chủ đề "Nguồn lực đầu tư cho văn hóa". Ảnh: QH.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, thời gian qua, qua tính toán sơ bộ, hàng năm chi sự nghiệp cho văn hóa thường gấp 3-5 lần chi cho đầu tư phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành và các địa phương cho lĩnh vực này. Ông Đông khẳng định, vốn đầu tư cho văn hóa lớn bởi đây là lĩnh vực rất rộng.

"Hoạt động văn hóa không tạo ra giá trị tài chính trực tiếp, nhưng tạo ra giá trị gia tăng lớn nên trong đánh giá hiệu quả dự án văn hóa, không nên chỉ đánh giá đơn thuần về khía cạnh lợi nhuận kinh tế, mà còn xem xét nhiều khía cạnh như kiến tạo giá trị không gian cảnh quan, tăng cường kết nối, giao lưu, sáng tạo, cộng hưởng", Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, cần đánh giá thành công của công trình văn hóa trên nhiều khía cạnh. Trong đó giá trị kiến trúc về công trình đó có ý nghĩa rất quan trọng; khi công trình hoàn thành thì sự sáng tạo và thụ hưởng văn hóa từ công trình đó sẽ như thế nào đối với người dân. Như vậy đánh giá giá trị của văn hóa cần trên nhiều khía cạnh, chứ không riêng gì khía cạnh về kinh tế. Và vì vốn của Nhà nước đóng vai trò là vốn mồi nên cần được sử dụng hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thời gian tới cần có thêm chính sách để huy động thêm các nguồn vốn đầu tư khác cho văn hóa.

Đầu tư cho văn học không phải cho từng cá nhân mà là cho hoạt động văn học

Liên quan đến nguồn lực văn nghệ sỹ, nhà báo Lê Quang Minh đặt câu hỏi đối với nhà văn Hữu Việt rằng: "Tại sao từ nhiều năm trở lại đây chúng ta không có nhiều tác phẩm lớn, nhà văn lớn, chúng ta đã nhiều lần đặt ra và theo quan điểm cá nhân tôi, hỏi như vậy có phần hơi vô tâm. Bởi chúng ta đều biết, vài chục triệu đồng tiền nhuận bút cho 1 tác phẩm mà tác giả thai ngén cả năm trời thì không một nhà văn nào có thể sống bằng nghề cầm bút. Nhà văn Hữu Việt có suy nghĩ và cần gì từ Nhà nước?", nhà văn Hữu Việt chia sẻ rằng: "Ở đây, không liên quan trực tiếp đến vấn đề tài chính, mà đây là vấn đề tài năng. Phải là người có hiểu biết sâu sắc về thế giới, về nhân sinh, và phải viết ra điều đó bằng tất cả tài năng của mình".

“Hồi hương cổ vật” và “tiếp sức văn học” như thế nào để cả hai không bị “chảy máu”? - Ảnh 3.

Nhà văn Hữu Việt trả lời những câu hỏi liên quan đến "đầu tư cho văn học như thế nào", "nhà văn cần gì"... Ảnh: QH.

Nhà văn Hữu Việt cũng khẳng định "văn học cũng rất cần thể chể, chính sách và nguồn lực" khi trả lời câu hỏi "Từ góc độ nhà văn, ông thấy rằng tiền bạc không quá quan trọng kể cả tài năng lớn và tài năng nhỏ. Vậy thưa ông, nhà văn hiện nay cần gì?" của nhà báo Lê Quang Minh. Theo nhà văn Hữu Việt, nhiều hoạt động, nhiều nội dung trong lĩnh vực văn hóa chưa được luật hóa trong đó có lĩnh vực văn học. Nhà văn cũng cần phải biết đường biên được làm gì, không được làm gì. Nắm được điều đó mới mở rộng được sức sáng tạo của người cầm bút. Đến nay, các cơ quan mới đang nghiên cứu để xây dựng nghị định trong lĩnh vực văn học. Mục tiêu đề ra là khai phá sức sáng tạo của người cầm bút thì nghị định mới thành công.

Nhà văn Hữu Việt phát biểu rằng, trong văn học, yếu tố con người là yếu tố quan trọng bởi tính chất đặc điểm của bộ môn này. Do đó cần chú trọng đầu tư cho con người đóng vai trò quyết định cho phát triển văn học. Và đầu tư nguồn lực con người phải đầu tư vào tiềm năng văn học. Nó nằm ở thế hệ trẻ, phải để cộng đồng, thế hệ trẻ thấy được khuyến khích, tôn trọng gánh trên vai trách nhiệm lưu giữ “chân - thiện – mĩ” của người Việt.

"Đầu tư cho văn học cũng phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm bởi thực tế đầu tư cho văn hóa nói chung và văn học nói riêng thì đầu tư còn dàn trải. Đầu tư cho văn học không hẳn là đầu tư cho từng cá nhân người cầm bút mà đầu tư cho các hoạt động văn học, qua đó lan tỏa tình yêu văn học cho thế hệ trẻ", nhà văn Hữu Việt nhấn mạnh.

Thừa Thiên Huế và câu chuyện dùng quỹ bảo tồn di sản để đưa cổ vật hồi hương 

Bước qua câu chuyện Thừa Thiên Huế đã thể chế hóa Nghị quyết của Quốc hội như thế nào để bảo vệ và phát huy giá trị di sản của tỉnh, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế chia sẻ, tỉnh xem việc trùng tu, bảo tồn văn hóa, di sản là nhiệm vụ quan trọng. Vì lẽ đó mà lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Sở VHTT đã rất coi trọng việc huy động nguồn lực ngân sách, xây dựng quỹ bảo tồn di sản.

“Hồi hương cổ vật” và “tiếp sức văn học” như thế nào để cả hai không bị “chảy máu”? - Ảnh 4.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế kể câu chuyện dùng quỹ bảo tồn di sản để "hồi hương cổ vật". Ảnh: QH.

"Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị quyết định về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng của di sản văn hóa và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế, ngày 13/11/2021, Quốc hội có Nghị quyết số 38 về việc cho phép Thừa Thiên Huế thực hiện thí nghiệm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Trong một nhóm gồm 6 cơ chế, chính sách phải đề cập đến việc cho phép Thừa Thiên Huế giữ lại toàn bộ nguồn thu từ phí tham quan thực để hiện việc trùng tu, bảo vệ di sản và cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa Huế. Đây là quỹ do Chính phủ thành lập nhưng giao cho Thừa Thiên Huế quản lý, sử dụng quỹ này thì có thể được sử dụng trực tiếp cho việc trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đặc thù của cố đô Huế. Có thể nói, đây là chính sách rất kịp thời".

Ông Phan Thanh Hải cũng cho biết, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xem văn hóa di sản là thế mạnh. Ứng xử với văn hóa di sản luôn luôn dành cho sự ưu tiên đặc biệt. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ thành lập hệ thống bảo tàng ngoài công lập. Ngành văn hóa thể thao của tỉnh đã triển khai đưa vào áp dụng. Trong thời gian ngắn tỉnh đã thành lập được 05 bảo tàng ngoài công lập. Số bảo tàng ngoài công lập nhiều nhất so với các tỉnh và hoạt động rất hiệu quả. Ngoài ra, về việc đưa bảo vật, cổ vật hồi hương, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ưu tiên nguồn lực và thể hiện tinh thần dũng cảm, mạnh dạn trong vấn đề này.

“Hồi hương cổ vật” và “tiếp sức văn học” như thế nào để cả hai không bị “chảy máu”? - Ảnh 5.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ về kế hoạch và chính sách "hồi hương cổ vật" của Bộ VHTTDL. Ảnh: QH.

Liên quan đến vấn đề "hồi hương cổ vật", nhà báo Lê Quang Minh nêu câu hỏi với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông rằng: "Vấn đề đưa cổ vật về nước đang rất được dư luận quan tâm hiện nay. Bên cạnh việc Nhà nước, rồi các mạnh thường quân đấu giá đưa cổ vật về nước. Từ những vụ việc vừa rồi, tới đây Lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ có những định hướng như thế nào về việc hồi hương cổ vật?", ông Tạ Quang Đông trả lời rằng, việc quản lý cổ vật được quy định tương đối rõ trong các quy ước quốc tế. Luật Di sản văn hóa của chúng ta, với sự tham gia triển khai tích cực của các bộ, ban, ngành, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc quản lý cổ vật theo đúng các quy định quốc tế.

Thời gian qua, có nhiều tin tức về các cổ vật của nước ta ở nhiều địa điểm trên thế giới và Bộ VHTTDL đã có định hướng thống kê các cổ vật này, có lộ trình cụ thể để thống nhất với các ban, bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ để từng bước tiến hành đưa cổ vật hồi hương. 

Theo Thứ trưởng, việc đưa cổ vật hồi hương là rất phức tạp, chịu ảnh hưởng những quy định quốc tế, mối quan hệ với nước bạn, hình thức phối hợp tư nhân với nhà nước. Tiếp đến, trong việc tiến hành sửa đổi Luật Di sản văn hóa, sẽ có những thay đổi về ưu đãi thuế để huy động được nguồn lực thực hiện tốt việc đưa cổ vật hồi hương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem