Kon Tum: Dạy nghề tại chỗ đạt hiệu quả cao

Chủ nhật, ngày 28/08/2011 00:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dạy nghề tại chỗ cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số, một trong những cách làm hay mà Trung tâm Hỗ trợ thanh niên (Tỉnh đoàn Kon Tum) thực hiện trong thời gian qua.
Bình luận 0

Nghề về tận xóm

Ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Kon Tum, những lớp đào tạo nghề đã không còn xa lạ với thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) địa phương. Như vậy, ngoài việc làm bạn với cái cày cái cuốc và ruộng vườn nương rẫy, từ nay, nhiều thanh niên đã có thêm những ngành nghề mới có thể giúp ổn định nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là vào thời điểm nông nhàn.

img
Đoàn viên thanh niên xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) tham gia lớp học may dân dụng.

Gần đây nhất, tháng 7.2011, tại xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy), hàng trăm thanh niên được học nghề may. Qua cuộc trò chuyện, các bạn trẻ đều bày tỏ niềm vui khi được tham gia học nghề ngay tại địa phương.

Chị Y Goan (làng Đăk Yo) chia sẻ: “Từ lâu mình đã mong muốn được học một nghề để làm thêm trong những lúc nông nhàn, tăng thu nhập; nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, con lại còn nhỏ nên không thể tới các trung tâm dạy nghề để học. Khi đoàn thanh niên thông báo về việc tổ chức lớp học nghề may ngay tại xã, mình đã đăng ký ngay. Học xong, mình sẽ mở một tiệm may nho nhỏ may quần áo cho bà con trong xóm để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”.

Phó Bí thư Đoàn xã Hơ Moong Nguyễn Duy Thân cho biết: Xã Hơ Moong có 541 đoàn viên thanh niên, hầu hết là đồng bào DTTS, ngoài mấy tháng mùa vụ, thời gian còn lại thanh niên hầu như chỉ đi làm thuê, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Đa số người dân đều mong muốn được học một nghề, nhưng điều kiện kinh tế các gia đình trong xã rất khó khăn, vả lại các thanh niên quen sống trong làng, trong xã nên rất ngại đi xa.

Việc tổ chức lớp dạy nghề ngay tại xã vừa tiết kiệm được các chi phí, vừa không phải đi xa. Ngoài thời gian học nghề, các thanh niên vẫn có thể phụ giúp gia đình nên phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo thanh niên trong xã.

Vừa học, vừa phụ giúp gia đình

Không chỉ các đoàn viên thanh niên ở xã Hơ Moong mà hầu hết các thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều có chung mong muốn được theo học các lớp đào tạo nghề tại chỗ. Việc dạy nghề tại chỗ đã đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo thanh niên các DTTS vì được gần nhà, hạn chế tối đa các chi phí đi lại, ăn ở.

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ việc làm thanh niên phối hợp với các tổ chức đoàn cơ sở mở được 6 lớp dạy nghề cho 190 thanh niên DTTS của huyện Sa Thầy và Đăk Glei. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục mở các lớp dạy nghề cho khoảng 250 thanh niên DTTS ở thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông.

Chị Y Mlak (huyện Sa Thầy) nói: “Đi học, chúng tôi được hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày/người, nếu ăn ở nhà thì có thể tiết kiệm khoản này để phụ giúp thêm gia đình. Những lúc cao điểm mùa vụ thì việc học có thể chuyển sang buổi tối để ban ngày mọi người vẫn có thể làm các công việc gia đình”.

Các nghề được ưu tiên đào tạo tại chỗ là: May dân dụng, xây dựng, kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su, dệt thổ cẩm… Những nghề này không những phù hợp với khả năng của đa phần thanh niên DTTS mà sau khi được đào tạo, các thanh niên có thể làm việc ngay tại gia đình hoặc có thể xin vào làm ở một số công ty.

Tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng công tác dạy nghề cho thanh niên DTTS ở đây vẫn còn những khó khăn như bất đồng về ngôn ngữ, cùng với sự chênh lệch về trình độ dân trí. Theo ông Lê Thanh Thủy – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên, đa số thanh niên DTTS thường rất ngại khi nói đến chuyện học nghề, sợ không theo kịp các học viên khác khi học ở các trung tâm dạy nghề, không muốn xa gia đình … Vì vậy, khắc phục tâm lý này cho thanh niên thì các lớp học mới thực sự hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem