Ký họa một “báu vật” dân gian

Thứ năm, ngày 18/08/2011 12:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 1.200 phút phim tư liệu được chắt lọc để làm nên 35 phút phim “Xẩm đỏ” về nghệ nhân Hà Thị Cầu chắc chắn sẽ làm người xem cảm động về cuộc đời của một “báu vật sống” giữa chốn nhân gian.
Bình luận 0

“Xẩm đỏ” mở đầu bằng hình ảnh và tiếng hát í éo qua loa đài của 2 thanh niên trẻ đi hát rong xin tiền ở phố Hàng Bạc - một phố cổ đặc trưng của Hà Nội 36 phố phường. Cắt cảnh khá đột ngột, đạo diễn hướng người xem về với gian nhà nghèo túng của nghệ nhân Hà Thị Cầu ở xã Quảng Phúc, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Trong ánh hoàng hôn đang nhuốm đỏ bên ngoài cửa sổ, cụ cất giọng kể về cuộc đời thăng trầm của mình...

img
Nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Không lời bình

Toàn bộ 35 phút phim không có lời bình, chỉ có giọng nói tinh tường, tiếng ca ai oán, tiếng đàn nhị réo rắt của “lão bà nghệ nhân”... Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết đó là một chủ ý của anh. Bởi nếu thêm lời bình, kể lể, hay xót thương than thân trách phận cho số phận một nghệ nhân “có một không hai” của nghệ thuật hát xẩm, có lẽ người xem sẽ có cảm giác những người làm phim đang “tầm thường hóa” nỗi đau của bà.

Một người đàn bà 95 tuổi đời và 80 tuổi nghề, một lần khóc chồng, 4 lần khóc con, lang thang vạ vật khắp nơi, mang tiếng ca đứt ruột của mình ra để kiếm bát cơm, manh áo cho bầy con dại. Cụ kể những lần được cho một bát cơm, mừng tới nỗi buông cả đàn chạy vội về sẻ cho đứa con gái nhỏ. Rồi có những đêm giao thừa, mấy mẹ con vẫn dắt díu nhau ngoài đường mưa lạnh, thèm một mái lá chở che.

Đói rách, khổ nhục, tiếng ca, tiếng đời như vận vào với nhau khiến bà không còn muốn định nghĩa thế nào là khổ đau, thế nào là sung sướng, nhất là khi một màn sương trắng đục luôn giăng trước mắt bà.

Lương Đình Dũng cho biết, mới đầu anh chỉ định làm “Xẩm đỏ” trong vòng 1 tháng, vậy mà không ngờ công việc này kéo dài trong suốt 2 năm. Trong 2 năm ấy, anh biết thế nào là “xẩm” đúng nghĩa, và từ cuộc đời trong bóng tối của cụ Cầu, anh nhìn được quá khứ, nhìn được một quãng thời gian đã lưu dấu trên những phận người. Trong những điệu “xẩm chợ” cụ Cầu hát, khán giả sẽ được về với mái đình, mái chợ liêu xiêu, cây gạo, cây đa, bến nước của làng Việt...

“Báo động đỏ”

Trong tâm sự của lão nghệ nhân, người ta sẽ thấy rõ sự nuối tiếc một loại hình nghệ thuật truyền thống với 700 năm tuổi đang dần mai một khi không có nhiều người quan tâm theo học hay truyền bá. “Xẩm đỏ” là màu mà đạo diễn hình dung về môn nghệ thuật dân gian này, nó giống như một “báo động đỏ” khi mà những tinh hoa của xẩm dần rơi rụng theo thời gian, và báu vật sống duy nhất còn lại- nghệ nhân Hà Thị Cầu đang sống những ngày cuối đời trong vất vả như suốt cuộc đời cụ.

Phim “Xẩm đỏ” do Trung tâm UNESCO Điện ảnh phát triển và Hãng Truyền thông Tứ Vân xây dựng như một tác phẩm ký bằng điện ảnh, khắc họa nổi bật chân dung lão nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã được nhận Giải thưởng Đào Tấn vì đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc.

Không hề sắp đặt, những âm thanh, lời nói, tiếng hát, tiếng nhị của nghệ nhân được ghi lại một cách chân thực nhất. Những khuôn hình ám ảnh người xem nhiều nhất có lẽ là khuôn mặt đầy những nếp nhăn sâu của lão bà đã hát suốt 8 thập kỷ không mệt mỏi. Đọng trong những nếp nhăn ấy là cuộc đời cay đắng, là vui buồn một kiếp nhân sinh, là những nỗi đau đã hóa nhẹ tênh qua tiếng hát.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết: “Thông qua cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu, tôi muốn người xem hiểu được rằng, trong tiếng hát xẩm là tình người lớn lao và tình yêu âm nhạc đã hóa giải tất cả những nỗi bất hạnh của đời cụ. Với tôi, cụ là một giá trị xuyên thời gian, xuyên qua những loạn lạc, binh biến, cụ đối diện với những sự rẻ rúng khinh khi của người đời bằng tiếng hát và một tấm lòng nồng hậu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem