Kỳ họp bất thường của Quốc hội: Luật doanh nghiệp dự kiến thay đổi gì, cổ đông không thể bỏ qua?

Huyền Anh Thứ ba, ngày 04/01/2022 06:52 AM (GMT+7)
Sáng nay (4/ 1), Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 1 dự án luật.
Bình luận 0

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long đã có tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự gửi tới Đại biểu Quốc hội trước thềm kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp bất thường của Quốc hội: Luật doanh nghiệp dự kiến thay đổi gì, cổ đông không thể bỏ qua? - Ảnh 1.

Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần này sẽ tiến hành xem xét, thông qua 1 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết. (Ảnh: VGP)

Theo tờ trình, một trong những vướng mắc trong Luật Doanh nghiệp hiện hành, đó là việc tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

Báo cáo đề cập: Theo Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020, điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua dựa trên tỷ lệ số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.

Tuy nhiên, việc xác định cổ đông dự họp lại chưa được quy định rõ nên thực tế xảy ra trường hợp cổ đông đã đăng ký và có tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông nhưng bỏ về giữa chừng hoặc không bỏ phiếu vào hòm phiếu hoặc không biểu quyết trực tuyến.

Điều này dẫn đến vướng mắc trong việc xác định số cổ đông dự họp để tính tỷ lệ số phiếu biểu quyết theo quy định tại Điều 148 nêu trên. Mặc dù chỉ là vấn đề kỹ thuật song vướng mắc nêu trên lại đang gây cản trở lớn đến việc thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.

Theo thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì cả nước hiện có 237.679 công ty cổ phần đang hoạt động và vướng mắc này có thể gặp phải ở bất cứ công ty cổ phần nào.

Để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, Điều 6, dự thảo Luật sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 148 Luật Doanh nghiệp theo hướng chỉ tính kết quả bỏ phiếu của cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành để thông qua nghị quyết.

Cụ thể, nghị quyết về nội dung loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại, thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh, thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty, dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác, tổ chức lại, giải thể công ty được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định (khoản 1 Điều 148).

Các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định (khoản 2 Điều 148).

Kỳ họp bất thường của Quốc hội: Luật doanh nghiệp dự kiến thay đổi gì, cổ đông không thể bỏ qua? - Ảnh 2.

Một số nội dung trong Luật Doanh nghiệp được dự kiến sửa đổi, bổ sung. (Ảnh: LT)

Trước đó, tại báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp gửi tới Chính phủ vào cuối tháng 8, đề cập, việc cổ đông tham dự họp nhưng bỏ về giữa chừng hoặc không bỏ phiếu hoặc không biểu quyết trực tuyến cũng là một hình thức thể hiện ý chí của cổ đông không đồng ý với nội dung cuộc họp, vì vậy việc cổ đông bỏ về không bỏ phiếu hay ở lại nhưng bỏ phiếu không thông qua cũng đều giống nhau về kết quả cuối cùng.

Nếu sửa đổi, bổ sung như dự thảo luật thì có thể mục đích đề ra không đạt được hoặc xảy ra trường hợp Nghị quyết được thông qua chỉ với số ít tỷ lệ vốn chủ sở hữu của cổ đông, trong khi đó, nguyên tắc hoạt động của công ty cổ phần là đối vốn, nên cần bảo đảm một tỷ lệ sở hữu nhất định của cổ đông biểu quyết để thông qua Nghị quyết.

Ngay sau đó, tại Báo cáo tiếp thu ý kiến giải trình. Bộ Tư pháp giải trình như sau: Việc tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cổ đông có quyền biểu quyết. Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ, cổ đông có quyền thể hiện ý chí của mình đối với nội dung cuộc họp thông qua lá phiếu biểu quyết (tán thành, không tán thành, không có ý kiến).

Luật không có quy định việc cổ đông bỏ về giữa chừng hoặc không bỏ phiếu biểu quyết là một hình thức thể hiện ý chí của cổ đông không đồng ý với nội dung cuộc họp.

Mặc dù công ty cổ phần là "đối vốn" song Luật Doanh nghiệp cũng đã có các quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, của doanh nghiệp trong những trường hợp cụ thể mà không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu vốn của cổ đông (như Điều 145 quy định về điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ thì cuộc họp ĐHĐCĐ lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp…)

Ngoài ra, đề xuất nêu trên là phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật Công ty của một số nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Singapore đều quy định việc thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ được tính trên số phiếu biểu quyết tại cuộc họp.

Tờ trình cũng đề cập, nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp, khoản 5 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp để quy định báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin không bắt buộc kiểm toán.

Đồng thời, để đảm bảo xác định đúng đối tượng là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với thực tiễn, khoản 8 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217 như sau: "Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ".

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 60 như sau: Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên của Hội đồng thành viên đã tham dự và đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp. Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên. Chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp liên đới chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan.".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem