Kỳ lạ ngôi làng quanh năm dùng nước bẩn, ám ảnh "bóng ma" ung thư

Thứ tư, ngày 24/01/2018 15:59 PM (GMT+7)
Nhiều năm qua, người dân thôn Tiên Đài, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) không chỉ điêu đứng vì phải dùng nước bẩn, mà còn sống trong thấp thỏm, ám ảnh vì căn bệnh ung thư.
Bình luận 0

Quanh năm dùng nước bẩn

Để chứng minh là nguồn nước nhiễm bẩn, ông trưởng thôn Trần Văn Úy dẫn tôi đi một vòng quanh làng. Theo ông Úy, trước đây dân dùng nước giếng đào, bây giờ chuyển sang dùng nước giếng khoan. Muốn dùng nước phải lắp bể lọc, bể lắng, rồi tiếp tục cho nước qua máy lọc, còn không thì đi chở nước nơi khác về.

img

Nước giếng khoan chảy ra bể lọc có màu vàng.

Ông nói: “Nguồn nước bị ô nhiễm, bẩn vô cùng, khi lấy nước từ giếng khoan, để một lúc, nước chuyển sang vàng, để lâu hơn có màu mồng tơi xanh lét, mùi tanh, không ai dám ăn, dám uống. Gia đình tôi ở đầu làng còn đỡ, ở cuối làng bẩn hơn nhiều. Tôi phải thay 2 máy lọc nước rồi”.

Cả thôn có đến 90% số hộ mua máy lọc, chủ yếu mua trả góp, còn lại không có điều kiện kinh tế, vẫn cam chịu dùng nước bể lọc. Cũng theo ông Úy, tỷ lệ dân làng mắc bệnh ngoài da cao. Để mắt thấy, tai nghe, trưởng thôn dẫn tôi xuống những hộ cuối làng, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi nước bẩn.

Gia đình ông Trần Văn Đê đang chống chọi với nước bẩn từng ngày, từng giờ. Chúng tôi hoảng sợ, khi ông Đê vừa nói, vừa lấy một cốc nước từ giếng khoan đổ trà vào cốc, nước tức thời chuyển sang đen. Ông Đê chia sẻ: “Mấy chục năm nay, phải dùng nước giếng khoan bẩn như thế này. Gia đình tôi mua máy lọc được chục năm nay rồi".

img

Tường nhà dân rỉ nước vàng khè.

Với người dân, nước sạch bây giờ là một thứ gì đó xa xỉ, chỉ cần có nước sạch để dùng đã là hạnh phúc. Gia đình ông Trần Xuân Biền cũng thấp thỏm, lo sợ: “Không biết do đâu mà nước thôn này vàng khè. Ở đây đồ đạc, thau chậu đều bị nhuộm vàng. Chỉ 2/3 hộ dân mua được máy lọc thôi. Nhiều nhà không có tiền, họ chỉ xây bể lọc ăn uống, sinh hoạt”.  

Ám ảnh bệnh ung thư

Giống như nhiều làng quê, thôn Tiên Đài vẫn có nhịp sống lặng lẽ, thanh bình bên dòng sông Cà Lồ lững lờ trôi. Thế nhưng, trong cái sự bình yên đó, sóng ngầm đang đánh tan, dội vào đáy lòng bao người dân nơi đây, trong đó căn bệnh ung thư đang gặm nhấm tinh thần cũng như thể xác họ. Cả làng bao phủ “bóng ma ung thư”.

Tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Long, chẳng khác gì một thước phim đen trắng. Ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, không gian tĩnh lặng, không tiếng cười nói, ông Long thẫn thờ ngồi một góc nhà, vợ ông nhìn xa xăm ra con đường làng trước cánh đồng.

img

Người dân sống trong thấp thỏm.

Không có nỗi đau nào lớn hơn là phải chứng kiến từng người thân cứ từ từ đổ bệnh rồi mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Chứng kiến cảnh xóm làng kiệt quệ vì bệnh tật, những người như ông Long không khỏi xót xa. Ông xót xa cho gia đình khi mất đi người thân, nhưng đau khổ hơn, cắn rứt hơn là lo cho thế hệ con cháu”.

Ông thở dài: “Gia đình tôi có 3 người thân bị chết rồi, ông ngoại tôi đầu năm đi khám ung thư, cuối năm chết, 2 em vợ cũng đã qua đời. Ở đây người dân sống thuần nông, nhưng không biết tại sao lại bị ung thư nhiều thế. Mình già rồi không lo, chỉ thương con cháu còn tương lai tươi sáng phía trước”.

Gia đình chị Lê Thị Hồng cũng chứng kiến người thân chết vì ung thư. Chị Hồng nghẹn ngào: “2 năm nay, 2 anh trai tôi bị ung thư gan, đều đã mất. Không biết làm sao, chúng tôi chỉ làm ruộng, đi xây, phu hồ mà lại mắc bệnh quái ác này. Ai cũng lo lắng, sợ hãi chờ thần chết điểm danh gọi đi”.

img

Nước từ bể lọc chảy ra chậu nhôm cũng vàng.

Không chỉ “sống mòn” với nguồn nước bẩn, ông Biền còn chịu nỗi đau giằng xé tâm can, khi người tóc bạc đi khóc kẻ tóc xanh. Ông buồn bã: “Đau xót, cay đắng lắm chú à! Em dâu tôi mới chết do ung thư máu hơn 100 ngày. Năm nay, đã con 6 người chết vì ung thư rồi, chúng tôi sợ lắm”.

Như bao người dân, ông Trưởng thôn cũng lo sợ, thấp thỏm, khi tháng nào, năm nào cũng có người chết về ung thư. Ông Úy bộc bạch: “Thôn này, đến 70% người mắc bệnh và chết do ung thư. Họ hàng tôi cũng có 2 người chết rồi. Ở đây không khí trong lành, không có nhà máy, khu công nghiệp, chăn nuôi cũng ít, lại mắc bệnh ung thư là sao?”.

Ông Quách Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Văn Tiến cho biết: “Địa phương không có khu công nghiệp, không nhà máy. Chúng tôi chưa có cơ sở khoa học kết luận bệnh ung thư bắt nguồn từ đâu. Rất mong có cơ quan về kiểm tra, tìm ra nguyên nhân nguồn nước bẩn, cũng như nguyên nhân người chết vì ung thư quá nhiều”.

Trần Hồ (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem