Kỳ lạ rùa thích ngủ màn, nghe kinh ở chùa Phước Kiển

Bài và ảnh: Phúc Lộc Thứ năm, ngày 16/04/2015 11:29 AM (GMT+7)
Ở chùa Phước Kiển tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp có nuôi 4 con rùa. Điều lạ là rùa nuôi tại chùa này có thói quen thích ngủ mùng, ăn dưa leo... Dù đã trải qua nhiều đời thầy trụ trì, nhưng các vị sư trong chùa, kể cả những phật tử đến viếng chùa đều gọi những con rùa này bằng ông - “ông quy”.
Bình luận 0

Trong tín ngưỡng dân gian, rùa thường được gọi là Quy - một con vật trong tứ linh “Long – Lân – Quy – Phụng”, biểu trưng cho sự vững bền. Bốn con vật này thường xuất hiện trong các bức họa và điêu khắc dân gian, nhất là ở đình chùa.

Quy còn là linh vật đối với người theo đạo Phật. Do đó, hình tượng quy đội bia đá và hạc cưỡi quy rất phổ biến ở các đình chùa. Quy cũng từng có mặt trong truyện cổ tích từ thời An Dương Vương.   

Con quy mà người dân Nam bộ thường gọi phải có mai dầy, khum và màu đen sẫm, 4 chân mập khoẻ, có thể di chuyển trên nền cát và xi măng dễ dàng. Con lớn có thể nặng tới trên 20 kg.
img
Trẻ con rất yêu thích con vật hiền lành này.        
Hiện chùa Phước Kiển tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp có nuôi 4 con quy và đã trải qua nhiều đời thầy trụ trì. Con lớn nhất nặng 13,5 kg (102 năm tuổi), con kế nặng 13 kg (98 năm tuổi) và hai con còn lại nhỏ hơn. Con nhỏ nhất có màu vàng sọc đen, chỉ sống trên cạn, ngủ mùng, không bao giờ xuống nước. Các vị sư trong chùa, kể cả những Phật tử đến viếng chùa đều gọi những con quy nầy bằng ông - “ông quy”.
img
Con quy đang được bế trên tay này sống rất khỏe, nặng 13,5 kg.
Sư Thích Huệ Từ, 77 tuổi, người trụ trì chùa Phước Kiển cho biết rùa sống ngoài thiên nhiên có thể ăn cua, ốc, thực vật. Nhưng những con ở chùa chỉ ăn toàn rau muống. Riêng con nhỏ nhất ăn dưa hấu, dưa leo, sà lách.
         
Những con quy này rất tinh khôn và hiền từ, suốt ngày chỉ bò quanh quẩn trong sân chùa, ai muốn sờ mó, ôm bồng đều được và dù có bế đi đâu chúng vẫn bò về chỗ cũ. Mặc dù sống trong môi trường thiếu thiên nhiên, ăn toàn “đồ chay” nhưng các "ông quy" vẫn khỏe mạnh, ít khi nào bệnh tật.

Ngoài 4 con rùa trên, trong chùa còn có một “xác ông quy” được trưng bày trong tủ kính. Theo sư trụ trì, vào năm 1948 có người mang đến tặng cho chùa một con quy, lúc đó sư còn là chú tiểu. Con quy này suốt ngày cứ quanh quẩn bên vị sư, mỗi khi nghe tiếng kinh kệ nó đều nằm yên như tĩnh tâm.
          
Đến năm 1966, giặc Mỹ đánh bom khiến cho chùa tan hoang, quy lạc mất rồi được một người bắt về nuôi. Sau đó, quy đã trốn thoát tự bò về chùa. Năm 1999, sau khi chùa xây dựng xong, một con hạc không biết từ đâu lại xuất hiện, tỏ ra rất thân thiện với con quy này, ngày nào hạc cũng cưỡi quy như hai người bạn thân. Bỗng một hôm có người đến bắt hạc bảo đó là động vật hoang dã phải trả về cho khu bảo tồn thiên nhiên. Thế là sau khi hạc ra đi, quy buồn rầu và chết vào ngày 29.7.2002. Để tỏ lòng tiếc thương một con vật khôn ngoan, thích nghe kinh và có tình có nghĩa, sư Thích Huệ Từ đã đem xác con quy bảo quản, trưng bày để làm vật lưu niệm.

Ngoài chuyện lạ về những con quy, kể từ năm 1992 đến nay tại chùa Phước Kiển còn xuất hiện một loài sen lạ, gọi là sen vua. Hiện có rất nhiều khách tham quan đến đây để tận mắt chứng kiến, làm bạn với 4 “ông quy” và thưởng lãm một loài sen báu trên ao Liên trì.
img
Con quy này chỉ sống trên cạn, ngủ mùng và ăn toàn dưa leo, sà lách.
img
Con quy 101 tuổi (bên phải) tính từ lúc quy bò về chùa.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem